Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bộ Công an tiếp tục điều tra các đề án liên doanh, liên kết ở BV Bạch Mai

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm trong một số đề án liên doanh, liên kết khác tại Bệnh viện Bạch Mai và làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể…
Như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận, đề nghị VKSND Tối cao truy tố 8 bị can trong vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan.
Các bị can gồm: Nguyễn Quốc Anh – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, Lý Thị Ngọc Thủy – nguyên Trưởng phòng và Phó phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Phạm Đức Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS (Công ty BMS); Ngô Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Công ty BMS; Trần Lê Hoàng – thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS); Phạm Minh Dung – nguyên Tổng Giám đốc Công ty VFS.
Cả 8 bị can nói trên cùng bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Bệnh viện Bạch Mai.
Ngoài vụ án trên, kết luận điều tra cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật trong một số đề án liên doanh, liên kết khác tại Bệnh viện Bạch Mai; làm rõ trách nhiệm của các bị can, cá nhân liên quan khác tại Bệnh viện Bạch Mai và các đơn vị, tổ chức có liên quan, để đề xuất xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Về diễn biến vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" nói trên, theo kết luận điều tra: Tháng 7/2009, ông Nguyễn Quốc Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã cho thành lập các khoa ngoại chuyên sâu với mong muốn phát triển ngoại khoa để thu hút bệnh nhân từ Bệnh viện Việt Đức và các cơ sở y tế khác về khám, điều trị nhằm phát triển thương hiệu cho bệnh viện và tăng thu nhập.
Biết chủ trương phát triển ngoại khoa của cơ sở y tế trên, tháng 5/2016, Phạm Đức Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS đến gặp ông Nguyễn Quốc Anh để bàn việc hợp tác cung cấp hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng đối với robot Rosa và 44 tỷ đồng với robot Mako cho Bệnh viện Bạch Mai.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Anh không đồng ý cho Bệnh viện Bạch Mai mua mà đề nghị Tuấn tham gia đề án đặt máy theo hình thức liên doanh liên kết. Còn giá máy chỉ cần có chứng thư thẩm định để hợp thức hóa và Công ty BMS chịu trách nhiệm liên hệ đơn vị thẩm định giá.
Qua vài lần trao đổi, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và phía Công ty BMS thống nhất về việc doanh nghiệp này không bán các hệ thống robot cho Bệnh viện Bạch Mai mà tham gia liên doanh, liên kết lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật.
Cơ quan điều tra xác định sau khi thống nhất hình thức liên kết và giá robot Rosa là 39 tỷ đồng, Nguyễn Quốc Anh đã phân công cho cấp dưới hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Còn Tuấn chỉ đạo nhân viên trao đổi, liên hệ và thông đồng với Trần Lê Hoàng (thẩm định viên Công ty VFS) và Phan Minh Dung (Tổng Giám đốc Công ty VFS) hợp thức hóa chứng thư thẩm định giá robot.
Quá trình triển khai, ông Nguyễn Quốc Anh và các cựu cán bộ Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện không đúng các quy định của pháp luật. Nhóm bị can là cựu lãnh đạo, nhân viên doanh nghiệp thỏa thuận cấp chứng thư xác định giá robot Rosa là 39 tỷ đồng trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty BMS lắp đặt robot để thu tiền của người bệnh.
Tại cơ quan điều tra, Tuấn thừa nhận, tổng giá trị hệ thống robot Rosa cộng chi phí vận chuyển, lắp đặt cho đến khi vận hành tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ là hơn 7,4 tỷ đồng. Nhưng bằng thỏa thuận, thống nhất với ông Nguyễn Quốc Anh và việc hợp thức hóa thủ tục định giá robot Rosa là 39 tỷ đồng, Công ty BMS đã được Bệnh viện Bạch Mai cho hưởng số tiền khấu hao thiết bị không đúng thực tế là hơn 23 triệu đồng/ca phẫu thuật.
Ông Nguyễn Quốc Anh bị khởi tố hồi cuối tháng 9/2020.
Kết luận điều tra cho biết, với kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định giá tài sản trong tố tụng xác định giá trị robot Rosa (bao gồm giá vốn nhập khẩu, chi phí, lợi nhuận, thuế) là hơn 11 tỷ đồng. Do đó, với giá trị này tương ứng chi phí khấu hao thiết bị tính theo phương pháp đường thẳng đứng quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính chỉ là hơn 6,6 triệu đồng/ca; chênh lệch thấp hơn so với cơ cấu giá dịch vụ do Bệnh viện Bạch Mai là gần 16,6 triệu đồng/ca. Bệnh viện đã thực hiện 551 ca phẫu thuật, thu sai hơn 9 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cho biết, Bệnh viện Bạch Mai mới liên hệ, trả số tiền chênh lệnh nói trên cho 86 người bệnh. Bị can Phạm Đức Tuấn đã nộp 10 tỷ đồng để trả khoản tiền chênh lệch thu sai nói trên.
"Quá trình giải quyết vụ án đã có đơn của bị can Tuấn và Công ty BMS đề nghị tặng lại các hệ thống robot cho Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị, giảm chi phí cho người bệnh…", kết luận điều tra viết.
Với hệ thống robot Mako, điều tra xác định do đơn vị phân phối rút khỏi thị trường Việt Nam, không hỗ trợ phần mềm nên Công ty BMS đang bị lỗ. Do đó, cảnh sát không xem xét dấu hiệu vi phạm liên quan loại robot này.
"Hành vi trên của các bị can có sự thỏa thuận, thông đồng, tiếp nhận ý chí của nhau, lợi dụng chủ trương, cơ chế xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế đã làm trái các quy định của pháp luật, làm tăng giá dịch vụ chữa bệnh", kết luận điều tra nhấn mạnh.
Nguyễn Dương (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)