Kinh tế - Giáo dục

Bộ Công thương làm việc với TP.HCM về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 13-1, đoàn công tác Bộ Công thương do Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại TP.HCM về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xúc tiến thương mại; Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở An toàn thực phẩm; các công ty thực phẩm và nhà phân phối lớn của TP.HCM.

Buổi làm việc về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025

Buổi làm việc xoay quanh các vấn đề về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán như: Công tác dự trữ, chuẩn bị hàng hóa, bán hàng phục vụ Tết, đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp – khu chế xuất…); việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng phục vụ Tết trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, các sở, ngành cũng đánh giá về tình hình sản xuất, chăn nuôi tại địa phương, việc thực hiện các giải pháp để đảm bảo ổn định thị trường, giá cả từ nay đến Tết Nguyên đán; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần được tháo gỡ…

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, ngay khi kết thúc năm 2024, Sở Công thương TP phối hợp Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở, ngành tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Năm nay, chương trình có sự tham gia của 69 đầu mối các chuỗi cung ứng (tăng 10 doanh nghiệp so năm 2023); phần lớn là các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao.

Chương trình bình ổn thị trường có sự kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình lớn của TP như kích cầu đầu tư, kết nối cung cầu, khuyến mại tập trung… qua đó hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm đầu ra, ổn định sản xuất, từng bước xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

“Chương trình tiếp tục đeo bám mục tiêu giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho công nhân, người lao động thu nhập thấp. Chương trình đã kịp thời triển khai Bán hàng lưu động – Bình ổn thị trường với chủ đề “Kết nối tiêu dùng – Lan tỏa yêu thương” với sự đồng thuận, hưởng ứng của nhiều thành phần trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối, thanh toán…; nhiều chính sách ưu đãi được áp dụng với hơn 500 mặt hàng giảm giá đến 80%”, ông Phương cho biết.

Bên cạnh đảm bảo nguồn hàng, kiểm soát giá cả, năm nay là năm đầu tiên TP.HCM triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm) với mục tiêu định hướng sản xuất thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực.

Chương trình nhận được sự đồng thuận và được dẫn dắt bởi 8 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Chương trình mở ra cơ hội phát triển thị trường cho sản phẩm có quy trình sản xuất minh bạch, an toàn; đồng thời góp phần ngăn chặn sản phẩm bẩn, sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng TP.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)