Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Bộ Công thương nhảy vọt, Bộ Y tế thụt lùi trong ứng dụng CNTT

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi Bộ Công thương nhảy nhảy vọt 12 bậc giành vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT thì Bộ Y tế liên tục tụt hạng trong nhiều năm.

Ngày 11/12 Hội Tin học Việt Nam đã công bố kết quả Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2009 (Việt Nam ICT Index 2009). Sự kiện này được coi là bức tranh tổng thể phản ánh thực tế tình hình CNTT-TT Việt Nam hàng năm.

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết, năm nay Bộ Công thương đã nhảy vọt 12 bậc để đứng đầu khối bộ ngành. Bị soán ngôi năm 2007 Bộ GD-ĐT đành đứng ở vị trí thứ 2.

Bộ Y tế "lùi đều" trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT. (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính từ vị trí số 10 vươn lên vị trí số 3 trong năm 2009. Bộ Thông tin & Truyền thông đạt được tiến bộ khá khiêm tốn, đứng ở vị trí thứ 8 (chỉ cải thiện được 1 bậc so với năm 2007). Trong khi đó, Bộ Y tế đã tụt hạng liên tục trong mấy năm qua khi từ vị trí thứ 8 năm 2006 xuống vị trí 15 năm 2007 và 19 năm nay.

Trong khối tỉnh thành, Đà Nẵng từ vị trí thứ 5 vương lên thứ nhất. TPHCM đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung. Hà Nội do phải “gánh” thêm cả Hà Tây mới nhập về, năm nay Hà Nội nên đã tụt 1 bậc so với năm 2007, xuống vị trí thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT-TT (trước khi sát nhập Hà Tây ở vị trí rất thấp).

Theo ông Long, những tỉnh ở vùng núi phía Bắc với điều kiện địa lý hiểm trở khó khăn, nên cơ sở hạ tầng để phát triển CNTT vẫn chưa thể đuổi kịp vùng đồng bằng. Vì thế Hà Giang là tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng cũng không có gì khó hiểu.

Đáng chú ý, trong năm nay một số tỉnh có những bước đột phá mạnh mẽ như: Quảng Ninh từ vị trí 36 lên vị trí 13, Nghệ An từ vị trí 36 lên 12, Hải Phòng từ vị trí 20 lên thứ 6. Đặc biệt Hà Tĩnh cải thiện được 45 bậc, từ vị trí 53 lên thứ 8. .

Về khối ngân hàng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã giữ vị trí nhất nhì liên tục trong ba năm qua. Ngân hàng Thương mại cổ phẩn Nam Việt đã xếp thứ 2. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương đã tăng từ vị trí 9 năm 2006 lên vị trí thứ 3. Tuy nhiên, chỉ có 31/60 ngân hàng quốc doanh, ngoài quốc doanh và liên doanh nhận được mẫu phiếu thu thập đã gửi báo cáo trả lời.

“Khối các tập đoàn, tổng công ty không có sự xáo trộn nhiều. Những tổng công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực thép, xăng dầu, dầu khí… có chỉ số rất cao. Tổng công ty Thép Việt Nam đã giữ vị trí số 1 suốt hai năm liền” – ông Long cho biết.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, quyền Vụ trưởng vụ CNTT, Bộ TT-TT cho rằng, năm 2010, Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án về CNTT nên việc xác định hiện trạng CNTT là rất quan trọng.

Dựa vào Việt Nam ICT Index, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể hoạch định chính sách bám sát mục tiêu đồng bộ và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng thông tin; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các ngành kinh tế – xã hội.

Dù vây, ông Đường cũng cảnh báo, chỉ số ICT Index được xây dựng dựa trên báo cáo của các đơn vị, nhưng việc lấy số liệu một cách đầy đủ rất khó tránh khỏi sai sót. Vì thế Bộ TT-TT sẽ cùng Hội Tin học Việt Nam đánh giá, xem xét một lần nữa trước khi lấy đó làm cơ sở để đưa ra những hoạch định mang tầm quốc gia.

Thanh Trầm (Theo Dantri)

Bình luận (0)