Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bỏ đọc – chép: Dạy và học như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ trương chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua đọc – chép của Bộ GD-ĐT đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Tuy nhiên, bỏ đọc – chép thì dạy và học như thế nào? Đây là câu hỏi lớn đối với đội ngũ giáo viên, những người làm công tác quản lý giáo dục và cả… học sinh.
Đối với nền giáo dục mà phương pháp dạy đọc – chép ăn sâu vào… tiềm thức cả người dạy lẫn người học thì chủ trương này liệu có khả thi? Người dạy và người học sẽ tiếp nhận chủ trương này như thế nào? Lâu nay, người thầy chủ yếu dạy rập khuôn kiểu “cổ điển” đọc – chép, áp đặt, truyền thụ một chiều. Người học cũng quen kiểu học thụ động, quen kiểu tư duy rập khuôn có sẵn, một chiều… Để thực hiện chủ trương bỏ kiểu dạy đọc – chép thì cơ sở vật chất, trang thiết bị… ở các trường phải như thế nào? Ngổn ngang nhiều câu hỏi lo ngại đặt ra, trong đó, nhiều giáo viên tự hỏi: bỏ đọc – chép thì dạy và học như thế nào? Nhiều người lo ngại rằng, đừng để đọc – chép biến thành… chiếu – chép.

Nhà giáo Nhật Chiêu – Giảng viên Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM

Nhà giáo Phan Nhật Chiêu – Giảng viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM: Phương pháp dạy và học theo kiểu đọc – chép, học thuộc lòng đã quá lạc hậu, cũ kỹ. Nếu học theo phương pháp như vậy thì chỉ cần chiếc máy photocopy là đủ. Nhưng đổi mới phương pháp giảng dạy cũng không phải đơn thuần là dùng máy chiếu để thuyết trình mà còn biết khơi gợi, dẫn dắt người học, giúp người học biết tư duy và tư duy độc lập. Trong cách dạy này người thầy không còn là nhân vật trung tâm, truyền thụ một cách áp đặt. Chính người học là trung tâm buổi học, người thầy chỉ dẫn dắt, đặt vấn đề để người học tự do khám phá, tư duy sáng tạo.

Thầy Trần Đức Huyên – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM

Thầy Trần Đức Huyên – Thạc sĩ toán học, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM): Hưởng ứng chủ trương đổi mới giáo dục không có nghĩa là thuê người khác soạn giáo án điện tử để thi thố chạy theo thành tích hay đặt nặng vấn đề hình thức. Thậm chí, có giáo viên còn soạn giáo án điện tử tạo hiệu ứng chớp, nháy quá rối rắm, thiên về hình thức mà phải chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy phải có hệ thống. Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải chuyển từ hình thức đọc – chép sang… chiếu – chép. Đừng chạy theo phong trào rồi biến đọc – chép thành chiếu – chép. Hiện nay, nhiều giáo viên thay vì đọc – chép như trước lại chuyển sang soạn giáo án điện tử rồi chiếu để học sinh chép. Cách dạy này trái với tinh thần đổi mới của Bộ GD-ĐT. Cũng đừng bắt giáo viên tự soạn giáo án điện tử, mỗi người mỗi kiểu. Tổ tin học của mỗi trường cần hỗ trợ giáo viên soạn giáo án và sử dụng phương tiện dạy học. Thầy cô giáo cần kích thích lòng đam mê, yêu thích môn học cho học sinh, giúp các em thấy được cái hay của môn học. Khi đam mê môn học, các em sẽ tự tìm tòi khám phá và sáng tạo trong học tập.

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh – GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Chúng ta tiếp nhận chủ trương bỏ đọc – chép của Bộ GD-ĐT với suy nghĩ đấy là đổi mới phương pháp dạy và học. Tức là, người thầy từ chỗ thuyết giảng, truyền thụ một chiều, từ chương, đọc từ sách giáo khoa để học sinh chép và học thuộc lòng phải thay đổi bằng sự gợi mở, định hướng, tổ chức cho học sinh hoạt động. Trên cơ sở đó học sinh tiếp nhận tri thức, đồng thời rèn luyện được các kỹ năng khác. Chúng ta phải hiểu đầy đủ về chủ trương này để tổ chức dạy và học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục.
Chủ trương này đòi hỏi thầy cô giáo phải soạn bài thật tốt, diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, sinh động… để các em học sinh tự ghi chép. Tất nhiên, các em phải được hướng dẫn về kỹ năng nghe – hiểu – tự ghi chép, sử dụng sách giáo khoa.
Khi thực hiện chủ trương này đòi hỏi giáo viên phải tập luyện, nâng cao chất lượng phương pháp dạy của mình và cả phương pháp học cho học sinh. Để được như vậy cần phải có quá trình, có thời gian. Phải bắt đầu từ lớp đầu cấp đến lớp cuối cấp. Không nên tiếp nhận chủ trương này một cách máy móc, thiếu sự chuẩn bị.
Hiện nay, nhiều giáo viên thay vì đọc – chép như trước lại chuyển sang soạn giáo án điện tử rồi chiếu để học sinh chép.
 
Bài, ảnh: Công Việt 

Bình luận (0)