Theo quy định hiện hành (Điều 21 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9-2020 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, có hiệu lực từ ngày 1-11-2020), giáo viên THCS và THPT nếu không làm giáo viên chủ nhiệm chỉ cần 3 loại hồ sơ, gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên; kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Đây là một sự giảm tải đáng kể so với quy định trước đó.
Theo tác giả, việc bãi bỏ quy định thao giảng, dự giờ nhằm giải tỏa bớt áp lực cho giáo viên về các hoạt động mang tính hành chính, hình thức (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Cụ thể, theo Điều 27 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28-3-2011 về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ GD-ĐT ban hành, quy định hồ sơ giáo viên gồm các loại sau: Giáo án; sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; sổ điểm cá nhân; sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp). Như vậy, so với quy định cũ ban hành năm 2011, từ năm 2020, giáo viên đã được giảm tải, không còn phải lo các loại hồ sơ, gồm: Sổ ghi chép hội họp (họp hội đồng nhà trường, họp tổ chuyên môn), sổ dự giờ thăm lớp. Đồng thời, hiện nay cũng không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về hoạt động dự giờ, thao giảng của giáo viên hoặc bắt buộc phải có cái gọi là sáng kiến kinh nghiệm hàng năm.
Giáo viên đỡ vất vả, đối phó
Sau quá nhiều than phiền về gánh nặng sổ sách đối với giáo viên, động thái nói trên của Bộ GD-ĐT đã “cởi trói”, giảm bớt những hoạt động mang tính hình thức, đối phó. Không có gì vô bổ bằng loại hồ sơ gọi là “Sổ hội họp”. Giáo viên phải cắm cúi ghi chép, để gọi là hoàn thiện hồ sơ, phục vụ kiểm tra của tổ/ban giám hiệu/phòng/sở, mặc dù hoàn toàn không cần thiết do đã có mạng xã hội, email, tin nhắn điện thoại, thông báo trên bảng tin. Các hoạt động dự giờ, thăm lớp, thao giảng cũng là một gánh nặng đối với giáo viên. Theo quy định trước đây, giáo viên phải dự giờ ít nhất 1 tiết/tuần, thao giảng 2 lần/năm học. Nhiều giáo viên thấy rất vất vả, áp lực, nhiều người đã tìm cách đối phó. Không ít giáo viên trước khi kiểm tra hồ sơ đã ngồi chép lại các tiết dự giờ để cho đủ số tiết theo quy định, trong khi thực tế không dự. Việc thao giảng (dạy có thông báo trước mời nhiều giáo viên khác tới dự giờ) cũng làm nhiều giáo viên áp lực, nhiều trường hợp rơi vào hình thức, đối phó. Thực tế có giáo viên chuẩn bị giờ thao giảng đã đưa câu hỏi và đáp án trước cho học sinh để giờ giảng sôi nổi, khí thế. Hoặc nhiều giáo viên ở giờ thao giảng thì đầu tư chỉn chu nhưng các giờ dạy khác lại không đầu tư nhiều. Việc bãi bỏ quy định về thao giảng và dự giờ nhằm giải tỏa bớt áp lực cho giáo viên về các hoạt động mang tính hành chính, hình thức, để thầy cô có thời gian tập trung nghiên cứu bài dạy, tự học, trau dồi kỹ năng chuyên môn, phương pháp giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Ngoài ra, việc bãi bỏ quy định bắt buộc giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm hàng năm cũng đã giảm bớt một hoạt động mang tính hình thức, rất áp lực làm nảy sinh các hành vi đối phó, không thực chất.
Tiêu chí nào để đánh giá giáo viên?
Nhiều hiệu trưởng nhà trường tỏ ra lo lắng, giờ bỏ hết hồ sơ, sổ sách như thế thì lấy gì để quản lý, lấy gì để đánh giá giáo viên? Xin được trả lời như sau: Các hoạt động hội họp, dự giờ thăm lớp, thao giảng, sáng kiến kinh nghiệm… đều là những thao tác có tính chất kỹ thuật, không phải là tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo viên. Theo đó, chất lượng giáo viên phải được thể hiện thông qua chất lượng sản phẩm giáo dục, đó là sự tiến bộ của học sinh. Lâu nay ngành giáo dục đánh giá giáo viên qua hồ sơ là thể hiện sự quan liêu, ngớ ngẩn, còn thông qua các hoạt động như thi giáo viên giỏi, thao giảng, sáng kiến kinh nghiệm là sai lầm, vu vơ. Giáo viên giỏi không phải là giáo viên có hồ sơ đẹp, dạy thao giảng như “hoa trôi nước chảy”, mà là giáo viên làm cho học sinh giỏi lên, tiến bộ hơn.
Trước đó (ngày 18-1-2019), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Chỉ thị số 138 về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, yêu cầu: Giám đốc sở GD-ĐT, trưởng phòng GD-ĐT và hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại điều lệ hoặc quy chế nhà trường do Bộ GD-ĐT ban hành. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên. Như vậy, hiệu trưởng nào tự ý quy định thêm hồ sơ, hoạt động trái với văn bản, quy định của Bộ GD-ĐT là cố ý làm trái, lạm quyền.
Trần Quang Đại
Bình luận (0)