Trong thời gian qua, đơn vị lợi dụng sự thiếu thông tin giáo dục quốc tế của các gia đình, học sinh để trục lợi. Các đơn vị này quảng cáo sai sự thật kiểu như “vừa đi du học vừa kiếm được việc làm thêm, lương cao”.
Cục Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT vừa có cảnh báo về du học Nhật Bản gửi đến các đơn vị trực thuộc.
Thông tin cho biết, trong thời gian qua số lượng người Việt Nam ra nước ngoài du học ngày càng đông, số lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn du học cũng tăng đáng kể. Trong đó, không ít doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ đã lợi dụng sự thiếu thông tin về giáo dục quốc tế của các gia đình và học sinh để trục lợi. Những doanh nghiệp và tổ chức này thường quảng cáo sai sự thật kiểu như “vừa đi du học vừa kiếm được việc làm thêm, lương cao”.
Cảnh báo của Cục Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT về tình trạnh lừa đảo du học ở Nhật Bản |
Thế nhưng, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, lưu học sinh muốn đi làm thêm phải xin giấy phép lao động và thời gian làm thêm không quá 28 giờ/tuần, số tiền kiếm được khó có thể đủ để trang trải cả sinh hoạt phí và học phí như các công ty đã quảng cáo. Một số người nghe theo quảng cáo, đã phải gánh khoản nợ không nhỏ để được sang Nhật Bản, rồi sau đó bằng mọi giá đi kiếm tiền trả nợ dẫn đến vi phạm pháp luật.
Vì vậy, Cục Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT khuyến cáo, tất cả học sinh, sinh viên trước khi quyết định sang Nhật du học hãy thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản, tính đến tháng 8/2017 có 260.000 người Việt Nam ở Nhật (chiếm vị trí thứ ba trong số các nước có nhiều công dân cư trú tại Nhật), trong đó có 120.000 thực tập sinh và 70.000 lưu học sinh. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị các bạn trẻ hãy cẩn thận với các công ty môi giới và hãy tìm hiểu, nắm bắt thông tin thật chính xác trước khi quyết định.
Minh Nhật/Phunuonline
Bình luận (0)