Hiện một số cơ sở giáo dục tại các địa phương vẫn còn thực hiện vài khoản thu ngoài quy định gây bức xúc trong dư luận. Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp căn bản để chấn chỉnh.
Hướng dẫn các kỹ năng cho học sinh tiểu học trong ngày tựu trường 20-8. Đây là một hoạt động thường niên ở các trường tại TP.HCM. Ảnh: N.Trinh |
Nhiều hoạt động biến tướng thu tiền học sinh
Theo Bộ GD-ĐT, nguyên nhân lạm thu chủ yếu do một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định của Nhà nước, nhiều hoạt động biến tướng để thu tiền học sinh, phụ huynh mượn danh nghĩa “tự nguyện” hay thu các khoản ngoài quy định; ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm hết trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, một số địa phương phân bổ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục với tỷ lệ chi cho các hoạt động thấp, chưa đảm bảo mức tối thiểu cho chi hoạt động, chuyên môn nghiệp vụ là 18% (theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ). Các địa phương chưa thực hiện tốt vai trò trách nhiệm quản lý giáo dục trên địa bàn; chưa thanh tra, kiểm tra kịp thời để xử lý các cơ sở giáo dục có sai phạm về thu chi tài chính dẫn đến còn tình trạng các cơ sở giáo dục thu một số khoản ngoài quy định.
Tăng cường thanh tra, xử nghiêm các vi phạm Hiện Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện việc xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị quyết huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục để kêu gọi mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho ngành. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh/thành sẽ tăng cường thanh – kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm; đặc biệt xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu. Đồng thời tăng cường truyền thông để tuyên truyền cho phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ Điều lệ cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện đúng quy định, ủng hộ nhưng không bị “lợi dụng” để thu các khoản trái quy định. |
Hằng năm, Bộ GD-ĐT đều có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương tuân thủ đúng quy định khi thu, chi tại các cơ sở giáo dục, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh/thành quan tâm chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu.
Không lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để lạm thu
Trước thềm năm học mới 2018-2019, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 1029/BGDĐT-KHTC ngày 19-3-2018 gửi UBND các tỉnh/thành, trong đó quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện những khoản thu theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng lạm thu và cam kết thực hiện ổn định giá dịch vụ đối với lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng lạm thu của các cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp. Cụ thể, để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật, các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải đúng tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa, ban đại diện cha mẹ học sinh để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh/thành bố trí đảm bảo nguồn lực cho giáo dục của địa phương theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện thu các khoản thu theo đúng quy định.
Hiện Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến để bổ sung, sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (thay thế Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10-9-2012) sao cho phù hợp với thực tế. Theo đó, Bộ GD-ĐT không cấm việc kêu gọi tài trợ hay xã hội hóa cho giáo dục, tuy nhiên phải tuân thủ nguyên tắc kêu gọi vận động, quy trình tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn tài trợ, xã hội hóa theo đúng quy định.
T.Trân
Bình luận (0)