Ngày 8-8, Bộ GD-ĐT đã công bố mức điểm sàn ĐH, CĐ cho từng khối thi. Với mức điểm sàn 13 cho khối A và D, 14 cho khối B và C, khoảng 60% thí sinh, tương ứng với hơn 700.000 thí sinh, đã phải rời cuộc đua xét tuyển vào các trường ĐH.
Điểm sàn CĐ giảm 3 điểm so với điểm sàn ĐH, tương ứng theo từng khối thi, cụ thể là 10 điểm đối với khối A và D, 11 điểm đối với khối B và C. Đối với các trường CĐ, hệ CĐ trong trường ĐH xét tuyển bằng đề thi CĐ, mức điểm tối thiểu xét tuyển năm nay được Bộ GD-ĐT quy định cũng bằng với mức điểm sàn CĐ kể trên.
Ông Ngô Kim Khôi, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, lưu ý: mức điểm sàn và điểm tối thiểu Bộ GD-ĐT công bố là mức điểm áp dụng đối với HSPT-KV3. Đối với mỗi khu vực ưu tiên kế tiếp sẽ giảm 0,5 điểm, mỗi đối tượng ưu tiên kế tiếp giảm 1 điểm. Khi xây dựng điểm trúng tuyển, kể cả đối với nguyện vọng 2 (NV2), nguyện vọng 3 (NV3), các trường ĐH, CĐ không được xác định điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn.
400.000 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển ĐH
So với năm 2008, mức điểm sàn năm nay giữ nguyên đối với ba khối A, C và D. Riêng khối B, điểm sàn năm 2009 giảm 1 điểm so với năm trước. Theo đánh giá của một số thành viên hội đồng điểm sàn, điểm sàn của khối B phải giữ ở mức 14 điểm do mặt bằng chung kết quả thi của khối B năm nay giảm hơn so với năm trước. Đồng thời, do đặc điểm của các ngành tuyển sinh khối B có sự phân hóa rất cao về điểm chuẩn và chất lượng thí sinh dự thi: trong khi các ngành khối y dược, công nghệ sinh học, sinh học, sư phạm… có mức điểm chuẩn rất cao thì những ngành khối nông lâm lại luôn khó khăn về nguồn tuyển.
Điểm ưu tiên Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm (như áp dụng đại trà) nhưng không quá 1,5 điểm. Đối với các trường được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, theo địa chỉ sử dụng, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm (như mức đại trà) nhưng không quá 1 điểm.
|
Theo thống kê của Vụ Giáo dục ĐH, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2009, ở khối A cả nước có 211.945 thí sinh đạt điểm từ mức sàn 13 điểm trở lên, trong khi tổng chỉ tiêu xét tuyển khối A của các trường ĐH là 143.026 chỉ tiêu. Khối B có 97.284 thí sinh đạt từ 14 điểm trở lên, so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối này là 28.470. Khối C có 44.677 thí sinh đạt kết quả thi bằng điểm sàn trở lên, so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối này là 22.132.
Con số thí sinh đạt kết quả thi từ điểm sàn ở khối D là 52.806, trong khi tổng chỉ tiêu xét tuyển là 42.785. Như vậy tổng cộng có khoảng 400.000 thí sinh đã tham dự kỳ thi tuyển sinh 2009 đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào các trường ĐH. Nếu chưa trúng tuyển NV1, các thí sinh này sẽ được tiếp tục tham dự xét tuyển NV2, NV3.
Số còn lại, khoảng 700.000 thí sinh sẽ không được tham dự xét tuyển vào các trường ĐH. Trong số đó, những thí sinh nào đạt kết quả thi bằng mức điểm sàn CĐ trở lên được tham dự xét tuyển NV2, NV3 vào các trường CĐ, hệ CĐ trong các trường ĐH còn chỉ tiêu, cùng khối thi.
Dành cơ hội cho NV2, NV3
Cùng với việc công bố điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã yêu cầu “các trường ĐH có dự kiến điểm trúng tuyển đợt 1 (NV1) thấp dưới 15 điểm đối với khối A, D và 16 điểm đối với khối B, C cần dành khoảng 15-20% chỉ tiêu để xét tuyển NV2, NV3”. Nếu tuân thủ theo nguyên tắc này, với kết quả dự thi thực tế năm nay, số chỉ tiêu xét tuyển NV2, NV3 sẽ nhiều hơn năm 2008 – đại diện một số trường ĐH tham gia hội đồng điểm sàn đánh giá.
Tuy nhiên, không ít đại diện các trường phía Nam bày tỏ lo ngại khi dành chỉ tiêu xét tuyển NV2, NV3 ở khu vực phía Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, các trường có thể gặp khó khăn về nguồn tuyển. Một số trường ĐH tại TP.HCM là trường ĐH đa ngành cũng cho biết có sự chênh lệch rất lớn về lượng thí sinh dự thi, kết quả thi của thí sinh giữa các ngành trong cùng một khối, cùng một trường. Ở các trường đa ngành như các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM… có một số ngành tuy mức điểm trúng tuyển thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung của trường nhưng vẫn khó tuyển đủ chỉ tiêu và phải trông đợi vào việc xét tuyển NV2, NV3.
Ông Luận cũng nhấn mạnh các trường ĐH, CĐ không được hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt do bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định.
THANH HÀ (TTO)
Bình luận (0)