Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ GD-ĐT đặt hàng TP.HCM sớm thí điểm nhiều trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là “đặt hàng” của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng với TP.HCM trong Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025 của ngành GD-ĐT TP sáng 16-8.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao những mô hình, chương trình, đề án của giáo dục TP.HCM đến thời điểm này đã khẳng định được sự thành công. Như mô hình lớp học số, lớp học mở, Đề án 5695 về “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” duy trì suốt 10 năm…

Theo Thứ trưởng, ngày 12-8 Bộ Chính trị đã có Kết luận số 91 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo… Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn song ông đề nghị ngành giáo dục TP.HCM không chờ đợi mà chủ động nghiên cứu kỹ kết luận. Bởi trong kết luận có nhiều nội dung mà TP đã, đang làm, thậm chí sẽ tiên phong đạt được kết quả: Quản trị nhà trường theo hướng khoa học; quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ mầm non độc lập; mô hình trường học số; nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học…

Ông cho rằng riêng nội dung nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh thì TP.HCM đã đi trước 10 năm nay, với Đề án 5695. Do đó, năm học mới, TP phải tổng kết đề án, đồng thời nêu rõ những tiêu chí nào để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: học sinh phải học bao nhiêu môn bằng tiếng Anh, thời lượng bao nhiêu lâu; ngoài các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh thì tiến tới sẽ mở rộng các môn nào, có thể là hóa học, vật lý, dần đến các môn khoa học xã hội. TP cần có lộ trình xây dựng từng bước một… Bộ sẽ đề nghị các tỉnh thành vào học tập mô hình này.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước, tiến tới đầu tàu trong khu vực, quốc tế thì trình độ tiếng Anh của học sinh TP cũng phải ngang tầm khu vực và thế giới, không chỉ so sánh đứng thứ nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà phải yêu cầu cao hơn, đặt các mốc cao hơn.

“Trong thời gian ngắn nhất TP.HCM phải có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sớm nhất toàn quốc và nhiều nhất toàn quốc. Chúng ta đã có thực tiễn 10 năm thực hiện Đề án 5695, bây giờ là hành động của TP ở mức cao hơn, không chỉ dừng lại ở vị trí 8 năm thứ nhất mà tiếp tục đặt ra các yêu cầu cao hơn… Bộ GD-ĐT sẽ cùng với TP thực hiện, đưa tiếng Anh của TP tiệm cận trình độ tiếng Anh thế giới” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặt vấn đề.

Ngoài ra, ông cho rằng TP.HCM cũng cần suy ghĩ để làm sao thể thao học đường TP phải cung cấp cho thể thao đỉnh cao Việt Nam chứ không dừng ở việc 10 lần vô địch Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết TP.HCM sẵn sàng nhận nhiệm vụ nghiên cứu tiêu chí, chọn một số trường học thí điểm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học…

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị

 

“Giáo dục TP.HCM đã không vì thành tích…”

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục TP.HCM đã phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực đạt được nhiều kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Theo Thứ trưởng, cạnh những thuận lợi cơ bản để đạt được những kết quả trong năm học như sự quan tâm của các cấp lãnh đạo; kinh nghiệm lãnh đạo ngày càng bài bản của lãnh đạo sở,  TP.HCM còn có những khó khăn, thách thức suốt nhiều năm khó giải quyết, thậm chí có xu hướng ngày càng gia tăng, như quy mô trường lớp; số học sinh, giáo viên cao đứng thứ 2 toàn quốc chỉ sau Hà Nội, tạo áp lực lớn trong điều hành…

Cạnh đó là sự đa dạng các cơ sở, loại hình giáo dục, trường có yếu tố nước ngoài… tạo nhu cầu cho người học nhưng cũng là áp lực trong quản lý.

Đặc biệt, tốc độ đô thị hóa của TP.HCM rất lớn, mỗi năm trung bình TP tăng khoảng 25.000 học sinh cũng như đòi hỏi của phụ huynh học sinh về chất lượng giáo dục ngày càng cao…

“Với những thách thức lớn như trên mà TP.HCM đạt được kết quả nổi bật trong năm học là cả nỗ lực, cố gắng của đội ngũ giáo viên, nhân viên toàn ngành. Đây là những kết quả đáng mừng, kết nối những kinh nghiệm, sự chuẩn bị nhiều năm trước. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhiệt liệt chúc mừng thành tích của ngành giáo dục TP” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng vui mừng nói.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ GD-ĐT bày tỏ ấn tượng với quan điểm giáo dục hòa nhập chuyên biệt của TP.HCM, tạo mọi điều kiện tối đa cho học sinh yếu thế, học sinh khuyết tật hòa nhập được học tập. TP.HCM không vì thành tích mà tiếp nhận mọi đối tượng học sinh, không từ chối học sinh nào…

TP có cơ chế tạo mọi điều kiện cho học sinh chưa có hộ khẩu được học tập ở TP. Mỗi năm TP có hơn 20.000 học sinh không có hộ khẩu TP được học tập ở TP là nỗ lực rất lớn đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh…

“Đây là những nghĩa cử, hành động rất nhân văn của giáo dục TP.HCM” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng và Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu trao Bằng khen cho các tập thể trường học xuất sắc

Ngoài ra, trong năm học TP.HCM đã làm rất tốt công tác phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm giải trình, tạo sự tự chủ cho các đơn vị với hơn 1.200 cơ sở giáo dục toàn thành phố. Trên hết, con số gần  2.000 tỷ đồng được TP.HCM đầu tư trang bị, xây mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị là rất đáng mừng.

Bên cạnh những mặt đạt được, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức lớn mà TP.HCM phải đối mặt trong năm học 2024-2025: Cơ sở trường lớp, sĩ số học sinh còn đông, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và yêu cầu cá thể hóa từng đối tượng học sinh; Tỷ lệ giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn còn cao, tập trung chủ yếu ngoài công lập với khoảng 60,7%; Số biên chế được giao TP.HCM chưa sử dụng hết còn cao, hơn 6.000 người, đứng thứ 2 toàn quốc sau Hà Nội (8.000 người).

Năm học 2024-2025, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị TP.HCM cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non đạt chuẩn; Quan tâm công tác quản lý thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm đặc biệt  với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm lớp, cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Chăm lo, khuyến khích, động viên, truyền lửa, tạo cơ chế cho đội ngũ…

Mỗi cán bộ quản lý của ngành GD-ĐT TP cần phân tích sâu hơn những nguyên nhân của thành công và của tồn tại hạn chế trong năm học vừa qua.

Trong đó, đặc biệt quan tâm làm rõ một số vấn đề như: Tại sao trong 10 kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc TP.HCM luôn đứng nhất toàn đoàn; Tại sao 8 năm liên tiếp môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT TP cao nhất toàn quốc; Tại sao TP lại có nhiều mô hình, chương trình, đề án, nhiều nghị quyết dành cho giáo dục; Tại sao TP.HCM lại được UNESCO ghi danh vào mạng lưới học tập toàn cầu; Tại sao trong 1 năm học mà hơn 2.000 tỷ đầu tư, xây mới trường lớp dành cho giáo dục…

Năm học với nhiều kết quả vượt trội

Năm học 2023-2024, TP.HCM có 2.295 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, cùng 1.834 nhóm lớp, với tổng số gần 1,7 triệu học sinh. Trong đó, công lập là trên 1,4 triệu học sinh. Cạnh đó, TP còn có 31 trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX với trên 43.000 học viên.

Trong năm học, ngành giáo dục TP.HCM đã nỗ lực trên nhiều phương diện và đạt được kết quả vượt trội, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn của thành phố đều được nâng lên.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, TP.HCM xếp thứ 2, vượt 10 bậc so với năm học 2022-2023; kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt 99,68% và 8 năm liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; Dự án Tích hợp học sâu để phân vùng và tái tạo cấu trúc tim nguyên khối – trong không gian mô phỏng 3D-ứng dụng trong thực hành y khoa của nhóm 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Hoa Kỳ đạt giải nhì thuộc lĩnh vực Phần mềm hệ thống và giải tư (Special Awards) do Hiệp hội Tin học Hoa Kỳ trao tặng; tham dự vòng chung kết quốc gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ IV cấp quốc gia với 3 dự án vào vòng chung kết đều đạt giải (2 giải nhất và 1 giải nhì).

TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Đặc biệt, năm học vừa qua, TP.HCM lần thứ 10 liên tiếp vô địch Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)