Bộ GD-ĐT có công văn đề nghị Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN phối hợp với Bộ tổ chức công tác tuyển sinh chung.
Theo đó, Bộ nhấn mạnh điều này tạo điều kiện hỗ trợ cho các trường liên kết thành nhóm xét tuyển, hạn chế bất cập của thí sinh (TS) ảo.
Càng nhiều trường, càng có lợi ?
Tham gia cuộc họp bàn của Hiệp hội với tư cách là một chuyên gia về khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho rằng việc Bộ và Hiệp hội khuyến khích các trường tham gia vào phương thức liên kết xét tuyển nhờ một phần mềm xây dựng theo một thuật toán hiện đại (thuật toán “chấp nhận trì hoãn”) là một giải pháp đúng đắn. Nếu các trường ĐH tập hợp lại thành nhóm cùng sử dụng thuật toán này thì việc xét tuyển sẽ hết sức nhanh chóng và có hiệu quả cao: vừa thỏa mãn tốt nhất nguyện vọng của TS, vừa đảm bảo đầy đủ quyền tự chủ của các trường.
Trường ĐH Thăng Long, với sự chủ trì của GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN, đã tổ chức xây dựng thành công phần mềm tuyển sinh dựa trên thuật toán này từ cuối năm 2014. Phần mềm đã được thử nghiệm xét tuyển ĐH trên dữ liệu giả lập gồm một triệu TS, mỗi TS có 6 nguyện vọng. Phần mềm chạy trên một máy tính thông thường chỉ mất 2 giờ và cho kết quả phù hợp.
GS Lâm Quang Thiệp nhận xét: “Nghiên cứu phần mềm của Trường ĐH Thăng Long cho thấy nó thỏa mãn tốt nhất nguyện vọng của TS mà vẫn đảm bảo đầy đủ quyền tự chủ của trường. Trường ĐH có thể đưa ra hàng loạt tiêu chí mà mình mong muốn về yêu cầu điểm số cũng như các năng lực khác của TS, về khả năng thu nhận của nhà trường theo các ngành nghề khác nhau… Nhà trường cũng có thể đưa thêm các tiêu chí liên quan các nguồn số liệu khác, chẳng hạn kết quả học tập ở phổ thông, hoặc kết quả của kỳ thi do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức…”. Ông Thiệp cho rằng nếu phần mềm này được sử dụng rộng rãi trên cả hệ thống thì giảm tối đa lượng TS ảo.
“Một đặc điểm của thuật toán đang bàn là hiệu quả của nó càng cao khi tập hợp càng đông các trường tham gia. Vấn đề là làm sao để các trường kịp tìm hiểu và tự nguyện tham gia. Hiện nay ở miền Bắc có nhóm trường mà nòng cốt là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, miền Trung có nhóm trường mà nòng cốt là ĐH Đà Nẵng. Theo tôi biết, lãnh đạo Hiệp hội có ý định trao đổi với ĐH Quốc gia TP.HCM về việc ĐH này đứng ra chủ trì một nhóm xét tuyển ở phía nam”, GS Thiệp nói.
Cơ chế phối hợp chưa rõ ràng
Tuy nhiên, theo một số thành viên của thường trực Hiệp hội, công văn của Bộ chỉ bao gồm các nội dung chung chung mà không nêu rõ cơ chế phối hợp ra sao, lãnh đạo Hiệp hội đề nghị có một cuộc họp chung hai bên để bàn rõ hơn, đặc biệt là vấn đề chỉ đạo tuyển sinh theo nhóm trường. “Càng sớm càng tốt, vì thời gian gấp lắm rồi”, ông Lê Viết Khuyến, ủy viên thường vụ Hiệp hội, nói.
Theo ông Khuyến, mong muốn của Hiệp hội là Bộ phải làm cho xã hội (bao gồm các trường) hiểu được bản chất của tuyển sinh theo nhóm là không mâu thuẫn với luật Giáo dục ĐH mà đảm bảo tính công bằng hơn cho người học, đồng thời tiết kiệm chi phí cho TS cũng như cho các trường. “Trước khi có công văn trên, Hiệp hội cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng, trong đó đề nghị hai bên cùng tổ chức cuộc họp với các trường hạt nhân của từng cụm trường để trao đổi, giới thiệu hỗ trợ lẫn nhau về kế hoạch triển khai và đặc biệt là giới thiệu các phần mềm sẽ được sử dụng của từng cụm về tính năng động, độ tin cậy”, ông Khuyến cho biết.
“Năm nào Bộ cũng có một ban chỉ đạo tuyển sinh. Năm nay có hay không thì Hiệp hội chưa rõ. Nhưng để cơ chế phối hợp được đúng tinh thần chỉ đạo mà chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu thì cần phải có một ban chỉ đạo cấp T.Ư và Hiệp hội phải là thành viên của ban chỉ đạo đó. Nếu Hiệp hội vẫn cứ đứng ngoài như mọi năm thì vai trò phối hợp của Hiệp hội sẽ là số không”, ông Khuyến chia sẻ.
Quý Hiên/ TNO
Tin liên quan
Ngành nghề nào còn đào tạo thì xã hội vẫn rất cần
Đó là nhấn mạnh của các chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ...
Tố chất quyết định sự thành bại trong công việc
Tiêu chí bắt buộc khi chọn ngành nghề là phải dựa theo đam mê và năng lực. Tuy nhiên vẫn còn một...
Chọn đúng ngành nghề mới tạo ra hạnh phúc
Ngành nghề nào cũng có hào quang và khoảng lặng. Nếu chúng ta biết chấp nhận, vượt qua khoảng lặng để có...
Mâu thuẫn chọn ngành nghề với cha mẹ, phải giải quyết thế nào?
Chọn sai ngành là điều không ai mong muốn, nhưng nếu chẳng may chọn chưa đúng hãy mạnh dạn chọn lại. Chúng...
Bình luận (0)