Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ GD-ĐT đồng ý cho Học viện Múa cấp bằng tốt nghiệp trung cấp cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi Bộ VHTTDL, cơ quan chủ quản của Học viện Múa Việt Nam, có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT tháo gỡ vướng mắc cho Học viện liên quan đến việc cấp bằng cho học sinh các khoá học từ năm 2012-2016, tối qua, 1/4, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời.
Bộ GD&ĐT đồng ý cho Học viện Múa cấp bằng tốt nghiệp trung cấp cho học sinh
Theo đó, Bộ GD&ĐT cho biết Bộ nhận được công văn số 1016/BVHTTDL-ĐT ngày 1/4 của Bộ VHTTDL về việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác đào tạo THCS, THPT và cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cho học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam.

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009; Luật Giáo dục ngày 14/6/2019; Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014, Bộ GD&ĐT có ý kiến như sau:

Trong trường hợp trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) tổ chức đào tạo đầy đủ chương trình theo Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp thì Học viện Múa Việt Nam cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh theo thẩm quyền. Bộ GD&ĐT đồng ý để Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp theo quy định hiện hành.

Bộ GD&ĐT đồng ý để Học viện Múa Việt Nam cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong trường hợp học sinh đã hoàn thành chương trình theo quy định tại Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28/6/2010 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc Ban hành Quy định khung trung cấp chuyên nghiệp.

Như Tiền Phong đã phản ánh, ngày 31/3, hơn 300 phụ huynh đã viết đơn kêu cứu khi con em họ sau 4-6 năm học tập song song kiến thức văn hoá THCS, THPT và kiến thức chuyên môn tại Học viện Múa Việt Nam nhưng tốt nghiệp tay trắng do 3 không về bằng cấp: không bằng THCS, không bằng THPT và không bằng chuyên môn.

Lý do mà Học viện Múa được là họ không có thẩm quyền cũng như trách nhiệm cấp bằng THCS, THPT. Hơn nữa họ không biết phụ huynh có nhu cầu để liên kết với cơ sở giáo dục dạy văn hoá bên ngoài để đào tạo học sinh.

Điều quan trọng hơn là từ năm 2012 đến năm 2016, Học viện Múa đào tạo hệ cao đẳng theo hướng tích hợp trung cấp – cao đẳng nhưng chỉ đăng ký với Bộ GD&ĐT đầu vào hệ CĐ nên khi học sinh thi tốt nghiệp xong chương trình trung cấp, Học việc Múa không có quyền cấp bằng tốt nghiệp.

Chính vì vậy nên sau khi học xong chương trình của Học viện, học sinh mới rơi vào tình trạng 3 không về bằng cấp như trên và không thể học tiếp lên bậc học cao hơn.

Trước tình hình đó, Bộ VHTTDL đã có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT tháo gỡ vướng mắc cho Học viện Múa với hai nội dung:

Cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và đạt kết quả theo quy định tại kỳ thi chuyển giai đoạn của học viện.

Cấp giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hoá THPT trong chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp, nhóm ngành múa (theo Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1/10/2004 của Bộ trưởng Bộ VH-TT) cho học sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo tại Học viện Múa Việt Nam.

Còn trước đó, trong tờ trình gửi Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT, Học viện Múa Việt Nam đề xuất:

Cho phép Học viện Múa Việt Nam in và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS và THPT cho học sinh đã hoàn thành các chương trình này tại học viện.

Học sinh, sinh viên đã hoàn thành chương trình THCS, THPT tại học viện được phép sử dụng giấy chứng nhận này được bổ sung kiến thức các môn học còn thiếu và tham dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Cho phép học viện được in phôi bằng trung cấp chuyên nghiệp để cấp bù cho 273 học sinh của các lớp thuộc hệ đào tạo tích hợp trung cấp – cao đẳng trong các năm từ 2012 đến 2016 đã học và thi hết trình độ trung cấp.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)