Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm Trưởng đoàn công tác của Chính phủ đã có các buổi làm việc với UBND các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng
Hoạt động này nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phân công thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Trà Vinh: Cần kiên cố hóa trường lớp
Báo cáo của tỉnh Trà Vinh cho thấy, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định, phát triển hơn so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh; thu ngân sách đạt khá; xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực.
Một số khó khăn, vướng mắc về thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng của địa phương này tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi tạm ứng. Chính sách hỗ trợ lãi suất; nguồn cung cấp nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi hiếm, nhất là nguyên vật liệu nhập khẩu, giá nguyên liệu cao… ảnh hưởng chung đến tình hình sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của tỉnh trong những tháng đầu năm.
Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ đã thảo luận một số vấn đề khó khăn vướng mắc, kiến nghị của tỉnh Trà Vinh; trong đó, tập trung vào những nội dung như: Thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, lập quy hoạch, tín dụng cho vay, hỗ trợ lãi suất, nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông (trong đó có tuyến đường ven biển)…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, bên cạnh phần giải đáp của một số bộ ngành, những nội dung khác mà Trà Vinh đề xuất sẽ được đoàn công tác tập hợp báo cáo Thủ tướng, báo cáo Chính phủ và có các giải đáp, giải quyết tiếp theo theo đúng thẩm quyền, đáp ứng nguyện vọng của địa phương. Bộ trưởng đề nghị tỉnh tập trung cho công tác giải ngân đầu tư công. Mặc dù tỷ lệ giải ngân mức 20% bốn tháng đầu năm của tỉnh Trà Vinh so với một số bộ, ngành, địa phương là cao hơn song vẫn là thấp so với yêu cầu, do đó tỉnh cần tập trung cho nội dung này.
Bộ trưởng lưu ý tỉnh này triển khai mạnh mẽ, ráo riết các chỉ đạo của Chính phủ từ đầu năm đến nay; trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế… Bộ trưởng cũng mong muốn tỉnh quan tâm, đảm bảo cân đối hài hòa giữa hạ tầng kinh tế, giao thông với hạ tầng văn hóa, giáo dục, xã hội; trong đó có đầu tư kiên cố hóa trường lớp, nhất là ở cấp tiểu học khi còn 17% trường lớp ở cấp học này chưa được kiên cố.
Bạc Liêu: Cần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp
Tại tỉnh Bạc Liêu, một số khó khăn, vướng mắc mà tỉnh này đề cập liên quan đến cơ chế sử dụng đất trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; công tác xác định giá đất cụ thể để giao đất, cho thuê đất; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa… Ngoài ra, Bạc Liêu là “vùng trũng” về giao thông với “4 không”: Không cảng biển, không đường cao tốc, không đường sắt, không sân bay. Con tôm là chủ lực của Bạc Liêu nhưng hiện năng lực chế biến xuất khẩu hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu…
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra một số kiến nghị liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủ tục pháp lý về lĩnh vực đất đai và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Đại diện các bộ cũng đã trao đổi, giải đáp những kiến nghị liên quan đến đất đai của tỉnh; vấn đề điều chỉnh quy hoạch; những dự án giao thông; xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường xuất khẩu; thẩm quyền cấp giấy phép lao động nước ngoài tại Việt Nam…
Đại biểu phát biểu tại buổi làm việc của đoàn công tác của Chính phủ với tỉnh Bạc Liêu
Đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bạc Liêu trong những tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, từ giờ đến cuối năm tỉnh còn nhiều việc phải thực hiện. Bạc Liêu là tỉnh thuần nông với 2 nhóm sản phẩm chính là lúa và tôm. Biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang đặt ra thách thức cho cả 2 nhóm sản phẩm quan trọng của địa phương này. Theo Bộ trưởng, tỉnh Bạc Liêu cần có giải pháp lâu dài, bền vững. Trong đó, đa dạng hóa về sản phẩm nông nghiệp, chú ý phát triển nông nghiệp công nghệ cao và lưu ý đến giải pháp kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học trong nghiên cứu các loại giống mới chịu mặn tốt hơn… Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Bạc Liêu tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Sóc Trăng: Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
Làm việc với tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những nỗ lực của địa phương nhằm khắc phục khó khăn, đạt được một số kết quả khả quan trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, do hiện nay Sóc Trăng đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm nên có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để thúc đẩy các dự án này.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Sóc Trăng đến hết tháng 4 đạt 16,13%, trong đó ngân sách Trung ương đạt 10,57%, ngân sách địa phương đạt 21,84% kế hoạch. Bộ trưởng cho rằng, tỷ lệ này chưa cao và Sóc Trăng thuộc nhóm các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn còn giải đáp một số nội dung ngành giáo dục Sóc Trăng quan tâm như: Tuyển dụng, sử dụng giáo viên; Nghị định 116 về hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm; in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc…
Bộ trưởng cũng lưu ý ngành giáo dục tỉnh này một số nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong năm 2023 gồm: Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; chuẩn bị cho năm học mới, trong đó chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở các lớp tiếp theo; chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Việt Ngân
Bình luận (0)