Thiếu giáo viên là thực trạng khiến các cơ sở giáo dục 'đau đầu' khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD-ĐT nói gì về các đề xuất cho phép một giáo viên dạy nhiều trường?
Giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học ở TP.HCM. ẢNH: NGUYỄN LOAN
Có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp
Bộ GD-ĐT vừa có Công văn số 1019 do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thưởng ký gửi chủ tịch UBND các địa phương về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên (GV) thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Theo đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng viên chức ngành giáo dục; khuyến khích các tỉnh, thành phố phát triển các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục…
Để thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng: ưu tiên biên chế để tuyển dụng GV cho những môn học mới ở các cấp học; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo GV để cung cấp nhu cầu sử dụng, đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ GV hiện có, những khối lớp triển khai thực hiện trước thì cần ưu tiên bảo đảm đủ số lượng GV theo định mức quy định đối với mỗi cấp học. Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ GV theo định mức thì cần có các giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, từng vùng miền để đảm bảo “có học sinh thì phải có GV đứng lớp”.
Một giáo viên dạy 2 trường: Phải có sự đồng thuận
Một số giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra như: đối với cấp tiểu học thì cần có phương án bồi dưỡng để GV tiểu học (dạy chung các môn) có thể dạy cả những môn như giáo dục thể chất, phân môn công nghệ trong môn tin học và công nghệ…
Đáng chú ý, văn bản của Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành cần có thêm các phương án để bố trí GV theo cách thức: một GV dạy ở 2 trường trên cùng địa bàn; điều chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu…
Trả lời PV về vấn đề này, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Bộ
GD-ĐT cho hay, việc GV dạy từ 2 trường phải đảm bảo nguyên tắc đầu tiên là được sự đồng thuận của chính GV đó; nguyên tắc thứ hai là các trường này gần nhau về địa lý, đảm bảo định mức giờ dạy của GV, không vượt định mức quá nhiều dẫn tới quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng giờ dạy cũng như sức khỏe của GV. Nếu GV dạy vượt định mức thì phải có chế độ chi trả đầy đủ, hợp lý; đáp ứng nguyện vọng của GV khi phải dạy hơn một trường.
Sẽ sửa định mức giáo viên/lớp
Thiếu GV là nội dung mà Bộ GD-ĐT nhận được nhiều câu hỏi chất vấn từ cử tri các địa phương.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu thực tế: Thông tư số 16 ngày 12.7.2017 của Bộ GD-ĐT về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định đối với bậc tiểu học là 1,5 GV/lớp là chưa hợp lý đối với trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày, đặc biệt là đối với chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo tính toán của Phòng GD-ĐT và các trường tiểu học trên địa bàn TP.Thanh Hóa, định mức khoảng 1,7 GV/lớp mới đảm bảo đủ nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất 1 GV có thể dạy 2 trường
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, qua rà soát cả tỉnh, tính đến cả năm học 2022 – 2023, địa phương này thiếu nhiều GV, nhất là GV tiểu học dạy Anh văn và tin học. Cả tỉnh có 354 GV tiếng Anh tiểu học, hiện thiếu 146 người, số đang hợp đồng là 30 người. Môn tin học cấp tiểu học, cả tỉnh có 168 GV, còn thiếu 107 người, hợp đồng là 18 người.
Nguyên nhân thiếu GV là hai kỳ tuyển chọn GV các năm vừa qua đều do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi phải hoãn lại. Một lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh cho biết khi thực thi luật Giáo dục, GV tiểu học phải có trình độ đại học, nên nhiều địa phương có số hồ sơ nộp vào thi tuyển còn ít hơn cả số lượng tuyển dụng.
Trước thực trạng thiếu GV, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT nói rõ về việc này. UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng sẽ tuyển dụng GV Anh văn và tin học cho năm học 2022 – 2023. Trường hợp tuyển nhưng vẫn thiếu, tỉnh sẽ ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm còn thiếu; chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã bố trí 1 GV dạy ở 2 trường trên cùng địa bàn có địa lý không xa.
Phạm Anh
|
Bộ GD-ĐT cho rằng việc quy định về định mức GV/lớp được xác định trên cơ sở nghiên cứu, tính toán nhiệm vụ của GV các cấp (trong đó có cấp tiểu học), quy định về chế độ làm việc của GV phổ thông và chế độ làm việc của GV theo từng cấp học trên cơ sở thời gian làm việc 40 giờ/tuần để bảo đảm đủ số lượng GV dạy học các môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học (bao gồm cả các môn tự chọn).
Đồng thời, quy định này còn quán triệt thực hiện chủ trương về tinh giản, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả biên chế. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT khẳng định đã tiếp thu kiến nghị của cử tri, đang tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung định mức GV/lớp nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 102 ngày 3.7.2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế giáo dục và y tế bảo đảm phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của địa phương.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)