Cử tri một số tỉnh đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH có hiệu lực ít nhất 5 năm, để học sinh yên tâm, có định hướng rõ ràng trong học tập.
Cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT giữ ổn định kỳ thi THPT để học sinh yên tâm học tập. ẢNH NGỌC THẮNG
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá gửi tới Bộ GD-ĐT kiến nghị của cử tri tỉnh này liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Theo đó, cử tri Thanh Hoá đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học ổn định, có hiệu lực trong ít nhất 5 năm, để toàn ngành triển khai thực hiện hiệu quả. Có như vậy, học sinh mới yên tâm, có định hướng rõ ràng trong quá trình học tập.
Về đề nghị trên, Bộ GD-ĐT cho rằng, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết số 29 Hội nghị T.Ư 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đặt ra.
Thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động (Nghị quyết 44), trong đó xác định "Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh CĐ, ĐH tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng…".
Bộ GD-ĐT đã xây dựng phương án đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ với mục tiêu đảm bảo trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình, xã hội với nội dung cơ bản là tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tuyển sinh.
Trong các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức và rút kinh nghiệm qua từng năm nên ngày càng hoàn thiện.
Từ năm 2017 đến nay, kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư do sở GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi và xét tuyển ĐH, CĐ.
Bộ GD-ĐT: Giai đoạn 2021-2025 sẽ giữ ổn định phương án thi
Bộ GD-ĐT cho rằng: "Qua các năm thực hiện, nhất là 2 năm gần đây, kỳ thi đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội".
Phát huy kết quả đã đạt được của lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho giai đoạn 2021-2025 với những điều chỉnh kỹ thuật theo từng năm cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới;
Đồng thời, thực hiện phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở GD-ĐT; tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên giấy; đồng thời, tích cực chuẩn bị và từng bước triển khai thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)