Phấn đấu đến năm 2014 – 2015 phải chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học. Kiên quyết không để giảng viên lên lớp vượt quá nhiều giờ so với thời gian quy định.
Đó là một trong những yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đề ra cho các trường đại học, cao đẳng phấn đấu thực hiện tại hội nghị sơ kết triển khai Chỉ thị 269/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết, từ năm học 2010 – 2011 các trường ĐH, CĐ phải công khai giờ giảng, đề tài nghiên cứu khoa học của từng giảng viên trên website của trường như là một trong các nội dung của 3 công khai.
Các trường cần phát động phong trào đổi mới phương pháp dạy, thi, kiểm tra, đánh giá, tách khâu dạy khỏi khâu thi, kiểm tra, đánh giá phù hợp với đặc điểm của từng bộ môn, từng môn học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Để chuẩn bị tiền đề cho năm học 2010 – 2011 là năm học “Đổi mới phương pháp giảng dạy, thi, kiểm tra, đánh giá”, mỗi giảng viên phải có ít nhất một sáng kiến về đổi mới phương pháp giảng dạy ĐH.
Đặc biệt, Bộ yêu cầu các trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học có hiệu quả. Đồng thời, triển khai việc dạy về phương pháp nghiên cứu khoa học cho tất cả các sinh viên của trường. Các luận án tiến sĩ phải là các công trình nghiên cứu nghiêm túc.
Chấm dứt tình trạng "thầy chiếu, trò chép" khi giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. (Ảnh minh họa)
Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo trường ĐH cho rằng, nghiên cứu khoa học là khâu mấu chốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Thực trạng “thầy đọc, trò chép” trước đây và “thầy chiếu, trò chép” hiện nay chỉ có thể chấm dứt cơ bản khi giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Giáo sư Bùi Văn Ga – Giám đốc ĐH Đà Nẵng chỉ ra 2 khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học mà các trường đang gặp là phần lớn giảng viên bị quá tải trong giảng dạy, không còn thời gian làm nghiên cứu khoa học; thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tiến hành nghiên cứu.
GS. Ga đưa ra giải pháp để xử lý tình trạng bất cập này, việc đầu tiên nên giảm tải cho cán bộ giảng dạy đi đôi với nâng cao đời sống của giảng viên. Tỉ lệ sinh viên/giảng viên ở các trường quá cao khiến giảng viên không còn thời gian làm công tác nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, ông Ga lại băn khoăn nếu giảm tải mà không kèm theo việc nâng cao đời sống của giảng viên thì họ cũng phải đi làm thêm, dạy thêm ở các trường tư thục để có thêm thu nhập. Do vậy, bài toán thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở các trường đại học vì vậy vẫn không có lời giải.
Giáo sư Từ Quang Hiển, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng: “Mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng giáo dục chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Đầu tư cho giáo dục còn ít nên các trường đẩy mạnh việc tăng quy mô để tăng thu nhập, do đó việc nâng cao chất lượng đào tạo không tăng tương xứng. Việc tăng lương cho cán bộ, giảng viên theo lộ trình của Chính phủ từ nguồn thu khác và tiết kiệm chi của các cơ sở giáo dục đại học là một áp ứng lớn đối với nhà trường trong việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Việc chuyển đổi đào tạo từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ mới ở bước đầu, còn nhiều khó khăn bất cập cả về chính sách, đội ngũ và cơ sở vật chất”.
Hồng Hạnh / Dan tri
Bình luận (0)