Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ GD-ĐT: Quyết “trảm” trường không đảm bảo chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Trường ĐH Văn Hiến một trong ba trường bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012

Ngày 30-12, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường ĐH, CĐ năm 2011. Theo đó, có 3 trường ĐH, CĐ bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 gồm: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và CĐ Công nghệ thông tin (CNTT) TP.HCM, đồng thời 14 ngành học của các trường khác cũng bị bộ đình chỉ tuyển sinh.
Những kỷ lục chỉ có ở  ĐH Việt Nam
Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT cho thấy hầu hết các trường được kiểm tra chưa thực hiện được cam kết, do các chỉ tiêu đặt ra trước đó quá cao so với thực lực của các trường. Với những kết quả của thanh tra, có thể thấy, các trường ĐH của Việt Nam khó có thể đảm bảo chất lượng đào tạo. Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu và giảng viên hợp đồng dài hạn còn rất cao như CĐ CNTT TP.HCM, ĐH Đông Đô, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Văn Hiến, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Đặc biệt, có hai trường tỷ lệ này lên đến 80 SV/giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn là ĐH Văn Hiến và CĐ CNTT TP.HCM. Nếu tính cả số sinh viên hệ vừa làm vừa học, học sinh TCCN ở các trường ĐH thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Trong số 24 trường đã kiểm tra thì có 10 trường dưới 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn. Đặc biệt có 3 trường có số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người như Trường ĐH Nguyễn Trãi, có 55 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, Trường ĐH Văn Hiến có 52 giáo viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, Trường ĐH Hà Hoa Tiên có 59 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn.
Một số trường công lập tuyển sinh vượt quá quy mô cam kết như Trường ĐH Kinh tế – Quản trị kinh doanh, ĐH Thái Nguyên vượt 126% cam kết; vừa tuyển sinh ĐH, vừa tuyển sinh CĐ, TCCN, dạy nghề là Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội; trong khi đó một số trường tư thục có xu hướng tuyển sinh ngày càng ít đi như  Trường ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Nguyễn Trãi, đặc biệt Trường ĐH Hà Hoa Tiên chỉ đạt 4,2% cam kết.
41 ngành không có tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ và thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu. Nhiều giảng viên chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Đó là chưa kể có tới 3 trường chưa có đất là ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và ĐH Nguyễn Trãi.
Quyết “trảm”
Trước những kết quả kiểm tra như trên, Bộ GD-ĐT đã quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 với 3 trường gồm Trường CĐ CNTT TP.HCM bị đình chỉ với lý do diện tích đất quá nhỏ, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao là 6.420 SV/76 GV (84,5%). ĐH Văn Hiến với lý do chưa có đất, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao là 4.947 SV/52 GV (95,1%); Trường ĐH Đông Đô bị đình chỉ với lý do như Trường ĐH Văn Hiến vì tỷ lệ sinh viên 4.276 /77 GV (55%). Bộ GD-ĐT yêu cầu đến năm 2013, nếu các trường này không khắc phục được các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục.
Bên cạnh đó, năm 2012, Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh đối với 12 ngành thuộc 4 trường ĐH gồm:  Trường ĐH Chu Văn An, đình chỉ tuyển sinh 4 ngành là kỹ thuật xây dựng công trình, tiếng Anh, tiếng Trung, Việt Nam học do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
Trường ĐH Lương Thế Vinh bị đình chỉ tuyển sinh 4 ngành là công nghệ kỹ thuật điện – điện tử; công nghệ thực phẩm, bảo vệ thực vật, khoa học thư viện do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Trường ĐH Nguyễn Trãi đình chỉ tuyển sinh 2 ngành kế toán và quản trị kinh doanh do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao. Trường  ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, đình chỉ 2 ngành là kế toán, quản trị kinh doanh do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao. Đến năm 2013, nếu các ngành nêu trên vẫn không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh thì sẽ xem xét thu hồi quyết định mở ngành đào tạo các ngành này.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã ra văn bản cảnh cáo 3 trường chưa có đất là ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và ĐH Nguyễn Trãi. Đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa có đất xây dựng trường theo cam kết thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.
Với những trường có đất nhưng chưa xây dựng được cơ sở vật chất như Trường ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, ĐH Quốc tế Sài Gòn đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa xây dựng được trường theo cam kết sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục và xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.
Như vậy, trong thời gian tới, các trường ngoài công lập không thực hiện theo đúng cam kết để đảm bảo chất lượng thì chắc chắn con số bị đình chỉ sẽ không chỉ dừng lại ở 3 và chắc chắn sẽ phải có trường bị dừng hoạt động.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)