- 1 Bộ GD-ĐT: Rà soát ngành, nhóm ngành dùng nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển
Nhận được thông tin phản ánh về việc một số cơ sở đào tạo ra thông báo tuyển sinh trong đó có sử dụng các tổ hợp không liên quan đến chương trình, ngành đào tạo, Bộ GD-ĐT đề nghị rà soát, đồng thời yêu cầu lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển phải dựa trên kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học.

Tuần qua, Bộ GD-ĐT có văn bản về việc tổ chức tuyển sinh trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2025 gửi các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ ngành giáo dục mầm non.
Tổ hợp môn xét tuyển phải dựa trên kiến thức nền tảng, năng lực cốt lõi
Trong văn bản, Bộ GD-ĐT cho biết có nhận được thông tin phản ánh về việc một số cơ sở đào tạo ra thông báo tuyển sinh trong đó có sử dụng các tổ hợp không liên quan đến chương trình, ngành đào tạo…
Bộ cho rằng, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH cho các em học sinh học chương trình giáo dục 2018. Theo chương trình này, ở bậc THPT học sinh lựa chọn tổ hợp môn theo nhóm kiến thức, có thể không học một số môn học. Do vậy, để bảo đảm công tác tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2025 đúng quy chế, bảo đảm chất lượng đào tạo, bảo đảm công bằng giữa các thí sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo nghiêm túc thực hiện quy chế tuyển sinh hiện hành, những văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Trong đó, các cơ sở đào tạo cần đặc biệt lưu ý nhiều nội dung. Cụ thể, đối với các chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo sử dụng nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển, phải rà soát các tổ hợp, phương thức xét tuyển; lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học.

Riêng đối với các ngành đào tạo sư phạm, tổ hợp môn xét tuyển hoặc ngưỡng đầu vào phải có yêu cầu cụ thể kiến thức môn học tương ứng. Theo Bộ GD-ĐT, cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển.
Những mốc thời gian quan trọng trong xét tuyển năm 2025
Trước đó, tại hội nghị tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh năm 2024, triển khai công tác tuyển sinh năm 2025 khối ĐH – CĐ, Bộ GD-ĐT nhận định, công tác tuyển sinh năm 2024 vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Khó tuyển ngành sư phạm, nhiều địa phương không đặt hàng đào tạo, chậm báo cáo nhu cầu đào tạo giáo viên; việc xét tuyển sớm gây nhầm lẫn, không đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; sai sót ưu tiên của thí sinh; một số phương thức xét tuyển không hiệu quả; xét tuyển vượt chỉ tiêu… Năm 2024, kết quả tuyển sinh dựa trên các phương thức: Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; xét kết quả học tập tại bậc THPT; xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác; các phương thức khác (gồm 12 phương thức).
Những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm 2025 cũng được bộ nêu ra như: Không còn xét tuyển sớm; phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 để xét tuyển; công khai quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển; sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp để quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ trong xét tuyển; tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển; thí sinh trúng tuyển thẳng phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống và xác nhận nhập học.
Theo ThS. Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công thương TP.HCM), với quy định năm nay, thí sinh có nhiều lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển, không bị bó hẹp vào một nhóm môn cố định. Nếu không giỏi một môn trong tổ hợp truyền thống, các em có thể chọn tổ hợp khác phù hợp hơn. Và thay vì phải cố gắng học giỏi tất cả các môn trong một tổ hợp nhất định, thí sinh có thể chọn tổ hợp có lợi thế nhất để xét tuyển.
Tuy nhiên, nếu các trường ĐH mở quá nhiều tổ hợp mà không có tiêu chí đánh giá rõ ràng, có thể dẫn đến tình trạng chất lượng đầu vào không đồng đều. Một số tổ hợp có thể không phản ánh đúng năng lực cần thiết cho ngành học. Và thí sinh dễ bị rối trong lựa chọn tổ hợp. Một số ngành cần kiến thức nền tảng vững (chẳng hạn như y khoa, kỹ thuật…), nếu tổ hợp quá đa dạng có thể khiến sinh viên gặp khó khăn khi theo học. Do vậy, cần kiểm soát tình trạng các trường ĐH tạo ra tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành học. Cần đảm bảo rằng các tổ hợp vẫn có một số môn cốt lõi liên quan đến ngành đào tạo thay vì mở rộng tổ hợp một cách tùy tiện chỉ để thu hút nhiều thí sinh hơn. |
Cũng theo kế hoạch tuyển sinh dự kiến năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với khối ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe vào ngày 21-7; từ 13-8 đến 17 giờ ngày 20-8, tổ chức xử lý nguyện vọng xét tuyển. Các cơ sở đào tạo từ ngày 15-6 đến 22-8 phải thực hiện các công việc như: Hoàn thành cập nhật thông tin tuyển sinh vào hệ thống; hoàn thành công tác xét tuyển thẳng cập nhật lên hệ thống; tải dữ liệu, thông tin xét tuyển, tổ chức xét tuyển; hoàn thành thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Từ tháng 9 đến tháng 12-2025, thực hiện xét tuyển bổ sung.
Các sở GD-ĐT, từ ngày 21-4 đến 20-7 phải hoàn thành việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu ưu tiên theo khu vực, đối tượng; xác nhận khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên cho thí sinh; hoàn thành nhập và rà soát kết quả học tập THPT trên cơ sở dữ liệu; cấp tài khoản bổ sung cho các thí sinh (đã tốt nghiệp THPT, trung cấp) chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển.
Với thí sinh, từ trước ngày 15-7 đến tháng 9-2025, thực hành đăng ký nguyện vọng xét tuyển; đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng; nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến; hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1; đăng ký xét tuyển các đợt tiếp theo…
Việt Ngân
Bình luận (0)