Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh phù hợp với thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trước nhiều ý kiến trái chiều về việc bỏ điểm sàn, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT đang xem xét để điều chỉnh cho phù hợp.

Học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) đặt câu hỏi cho Ban tư vấn chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: N.Trinh

Bỏ điểm sàn với các trường tự chủ, đã kiểm định

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới tuyển sinh, nhiều chuyên gia và trường ĐH đề nghị Bộ GD-ĐT không nên quy định điểm sàn vì thực tế điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa như khi tổ chức thi “3 chung”. Mặt khác, việc quy định điểm sàn chung không phát huy được tính năng động, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường trong việc xác định điểm sàn phù hợp với điều kiện của từng trường và yêu cầu của từng ngành đào tạo cũng như đồng bộ với chính sách chất lượng của trường.

Dựa vào thực tế tuyển sinh năm 2015, 2016 và căn cứ vào Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, năm nay Bộ GD-ĐT dự kiến chỉ quy định điều kiện cần đối với thí sinh là tốt nghiệp THPT, còn các trường ĐH quy định điều kiện đủ để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Việc này được thực hiện tương tự như đối với các trường CĐ năm 2016.

Trên thực tế điểm sàn mặc nhiên hoàn toàn không có ý nghĩa đối với những trường, ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao (chiếm khoảng 30% tổng số các trường ĐH).

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, khi đưa quy định này vào dự thảo, Bộ GD-ĐT cũng dự đoán được băn khoăn của dư luận liệu rằng khi bỏ điểm sàn chung thì chất lượng đào tạo có đảm bảo không, nhất là đối với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo nhất quán phương châm lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu cho mọi hoạt động. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo nên Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động của các phương án khác nhau theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phù hợp với năng lực thực hiện tự chủ. Luật Giáo dục ĐH cũng quy định trường ĐH được thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Trên thực tế điểm sàn mặc nhiên hoàn toàn không có ý nghĩa đối với những trường, ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao (chiếm khoảng 30% tổng số các trường ĐH). Những trường, ngành khác nếu đã được các tổ chức kiểm định trong nước hay thế giới công nhận đạt chuẩn chất lượng, những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ thì xã hội cũng có thể yên tâm về tự chủ tuyển sinh (trong đó có tự chủ xác định điểm sàn).

Bộ GD-ĐT sẽ trao đổi thống nhất với các trường tại cuộc họp hiệu trưởng các trường ĐH sắp tới để quyết định phương án xác định điểm sàn phù hợp.

Cổng thông tin tuyển sinh giúp các trường lọc ảo

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tuyển sinh năm 2017 có một số điểm mới so với năm 2016. Đó là dự kiến cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, không giới hạn số trường. Việc cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng là nhằm tạo điều kiện tối đa cho các em được trúng tuyển vào ngành mình yêu thích ở các trường có mức độ cạnh tranh khác nhau. Dù đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và trong đợt xét tuyển chính (đợt 1), thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách đã đăng ký. Điều này được thực hiện nhờ phần mềm thống kê nguyện vọng xét tuyển của thí sinh chạy tự động trên cổng thông tin tuyển sinh của bộ. Do mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng nên hạn chế được tối đa tình trạng “thí sinh ảo” trong đợt xét tuyển chính.

Bỏ điểm sàn thuận lợi hơn cho thí sinh

Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh (Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng), việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn trong tuyển sinh ĐH năm 2017 đem lại cơ hội nhiều hơn cho thí sinh. Theo đó, thí sinh được chọn lựa nhiều trường, nhiều ngành khác nhau, nhất là với các em có lực học trung bình, khá. Tuy nhiên, cùng với đó, khi có quá nhiều lựa chọn thì thí sinh dễ bị nhiễu, dễ chọn nhầm ngành học. Để chọn ngành chính xác, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn trường, chọn ngành, chọn bậc học phù hợp với năng lực, sở thích của mình. Bên cạnh đó, các em cần xem xét vấn đề đầu ra ngành học mình lựa chọn, có khả năng cao trong xin việc làm hay không… Cũng theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, một khi bỏ điểm sàn, công tác tuyển sinh sẽ tác động mạnh đến các trường tốp dưới. Bởi mỗi trường có một phân khúc nguồn tuyển nhất định. Các trường tốp trên sẽ tuyển sinh cách xa điểm sàn một khoảng cách khá lớn, thông thường là từ 7-8 điểm, tiếp đó là các trường nhóm giữa, cách sàn 3-5 điểm, còn các trường nhóm dưới tuyển lân cận điểm sàn. Khi điểm sàn bị bãi bỏ, để thu hút thí sinh, các trường phải mang đến cho thí sinh nhiều thông tin, hình ảnh và đặc biệt chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm để các em chọn đăng ký vào trường.

Đồng quan điểm, GS.TS Trần Văn Nam (Giám đốc ĐH Đà Nẵng) nhìn nhận: Thực tế thời gian qua, công tác tuyển sinh của nhiều trường tốp trên có điểm chuẩn cao hơn nhiều so với điểm sàn quy định của Bộ GD-ĐT. Đối với các trường này, điểm sàn hầu như không thật sự có ý nghĩa trong tuyển sinh nên việc bỏ điểm sàn cũng không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường tốp dưới tuyển sinh trên mặt bằng điểm sàn, việc bỏ điểm sàn sẽ giúp họ tuyển được nhiều thí sinh hơn. Bên cạnh đó, lâu nay còn có các trường tuyển sinh theo học bạ, do vậy họ cũng không cần đến điểm sàn.

Về sự tác động đối với các trường ở những điều chỉnh trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017, theo GS.TS Trần Văn Nam, điều đó không ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Quyền tự chủ tuyển sinh phụ thuộc ai là người quyết định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển, điều đó do các trường quyết định. Một thay đổi khác, trong dự thảo quy chế, các trường tự quyết định thời gian xét tuyển các đợt bổ sung và báo cáo kết quả tuyển sinh trước 31-1 năm kế tiếp. Với quy định này, các trường được hoàn toàn tự chủ về kế hoạch tuyển sinh, kể cả tuyển sinh bổ sung vào tháng 11, 12 để thí sinh trúng tuyển có thể bắt đầu nhập học chậm sau 1 học kỳ so với thí sinh trúng tuyển đợt chính thức. Quy định này ngoài việc tạo ra quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường trong tuyển sinh nhưng cũng đặt ra thách thức để các trường phải đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình đào tạo, môi trường học tập tốt để thu hút thí sinh.

Vĩnh Yên (ghi)

Một điểm mới nữa mà Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhắc tới đó là cổng thông tin tuyển sinh của bộ. Theo đó, tất cả thông tin tuyển sinh của các trường được công bố trên cổng thông tin này. Để tạo thuận lợi cho thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển, quy chế cho phép các em được đăng ký trước khi thi, cùng lúc với khi làm thủ tục đăng ký dự thi; sau khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến trong khoảng thời gian quy định. Do đó cổng thông tin tuyển sinh chỉ hỗ trợ cho một số ít thí sinh có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng. “Việc công bố kết quả thi do các sở GD-ĐT thực hiện; việc xét tuyển ĐH do các trường thực hiện; cổng thông tin tuyển sinh chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ cơ sở dữ liệu để các trường khai thác, xét tuyển và chạy phần mềm thống kê nguyện vọng giúp các trường loại bỏ “thí sinh ảo”. Do đó, so với năm 2016, năm nay hệ thống chạy nhẹ tải hơn nhiều nên khó có thể xảy ra nghẽn mạng”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.

Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)