Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị giải thể trường yếu kém

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sẽ thu hồi quyết định mở ngành của trường không bảo đảm điều kiện quy định, trình cấp thẩm quyền xem xét đình chỉ hoạt động, giải thể trường đại học yếu kém.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
Giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ và giải thể một số trường
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết năm học 2010 – 2011 khối các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) diễn ra hôm nay (29-10) tại sáu điểm cầu truyền hình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sẽ tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho thí sinh.
“Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp ba chung nhưng sẽ có những điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý” – Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Theo đó, năm nay, tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy, giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH, CĐ, đồng thời tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo chính quy.
Ngoài ra, tổ chức quản lý chặt chẽ quá trình đào tạo, đặc biệt tăng cường công tác quản lý giảng dạy, quản lý học tập, siết chặt quy chế thi, kiểm tra và đánh giá; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để tách khâu dạy và khâu thi.
“Thu hồi quyết định mở ngành không còn bảo đảm các điều kiện quy định; giảm chỉ tiêu tuyển sinh kể từ năm 2012; đình chỉ hoạt động đào tạo và trình cấp thẩm quyền xem xét đình chỉ hoạt động và giải thể trường” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong năm 2011, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT kiểm tra tại các trường ĐH Văn Hiến, trường CĐ Công nghệ thông tin, trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, trường ĐH Dân lập Đông Đô. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường chưa đúng với cam kết.

Sau nhiều năm hoạt động, số lượng giáo viên cơ hữu của các trường này vẫn còn quá mỏng, cơ sở vật chất, đất đai một số trường còn rất tạm bợ, không đảm bảo những tiêu chí tối thiểu.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, căn cứ Nghị quyết 50 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh đối với những trường thành lập trước năm 2010, nhưng chưa xây dựng được cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập.
Thứ trưởng Ga khẳng định: “Thu hồi quyết định mở ngành không còn bảo đảm các điều kiện quy định; giảm chỉ tiêu tuyển sinh kể từ năm 2012; đình chỉ hoạt động đào tạo và trình cấp thẩm quyền xem xét đình chỉ hoạt động và giải thể trường”.
Phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong năm 2011 – 2012 tiếp tục phân cấp kiểm tra, xác nhận những điều kiện mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ và ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ: giao các cơ sở giáo dục và đào tạo trực tiếp kiểm tra và xác nhận những điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện phục vụ đào tạo.
Thứ trưởng Ga khẳng định, sẽ phân cấp tuyển sinh vừa làm vừa học. Các trường ĐH, CĐ chịu trách nhiệm toàn diện trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh vừa làm, vừa học: ra đề thi, tổ chức thi, chấm chi, phúc khảo, xét tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển và giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT sẽ phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ, Bộ chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không làm thay các trường.
“Việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường phải đồng thời với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng thực tế, công tác này còn hạn chế. Những sai sót, vi phạm quy chế chậm được phát hiện và xử lý, kết luận thanh tra chưa đủ mạnh để xử lý và không đủ tính răn đe để chấm dứt sai phạm”- Thứ trưởng Ga cho biết.
Tại hội nghị sáng nay, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận một thực tế, việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường thời gian qua xuất hiện một số hiện tượng thực hiện sai quy định ở một số trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo, cấp phát văn bằng, mở ngành đào tạo…
Kỳ thi tuyển sinh 2011 có 217 lượt trường ĐH và 130 trường CĐ tổ chức thi; 146 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi mà dựa vào kết quả thi theo đề thi chung để xét tuyển. Kỳ thi có 2.183.630 hồ sơ ĐKDT, số thí sinh dự thi là 1.696.250 (đạt 77.68%) cao hơn năm 2010 xấp xỉ 1,5%.
Theo Bộ GD&ĐT, trong kì thi tuyển sinh năm 2010- 2011, một số trường không nghiêm túc thực hiện quy chế tuyển sinh dẫn đến sai sót khi coi thi; một số trường khác đã thông tin, quảng bá các biện pháp thu hút thí sinh trong xét tuyển thiếu lành mạnh, gây phản cảm và bức xúc trong dư luận xã hội…
Cá biệt có một số trường vi phạm công tác xét tuyển như tự ý chuyển thí sinh không trúng tuyển NV1 xuống các hệ đào tạo khác của trường, không cấp kết quả thi để thí sinh tham gia xét tuyển vào các trường khác; có trường vẫn gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh không có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường.
Theo Đỗ Hợp
(TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)