Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, kiểm tra đến tổ chức, hoạt động của hội đồng trường các trường đại học.
Bầu hội đồng trường tại Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM. UEL
Theo đại diện Vụ Giáo dục đại học và Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ GD-ĐT, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (luật số 34/2018/QH14) đã quy định các chính sách để cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) thực hiện quyền tự chủ. Theo đó, cơ chế thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH hiện nay là theo cơ chế hội đồng trường.
Luật số 34/2018/QH14 quy định trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Do đó, các chủ thể trong thực hiện cơ chế tự chủ ở các cơ sở GDĐH gồm nhà nước, ban giám hiệu, các khoa và các đơn vị chức năng, đội ngũ giảng viên, sinh viên, các tổ chức chính trị – xã hội… đều phải có đại diện tham gia hội đồng trường để cân bằng về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa cơ chế bên trong và bên ngoài của mỗi trường ĐH. Hay nói cách khác, chỉ có hội đồng trường mới đưa ra được các quyết định thể hiện ý muốn của các bên liên quan trong thực hiện cơ chế tự chủ tại trường ĐH.
Khoản 10 điều 1 luật số 34/2018/QH14 quy định: “Thành viên ngoài trường ĐH chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền; đại diện của cộng đồng xã hội do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường ĐH bầu bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động” nên việc các cá nhân có uy tín, có năng lực khoa học hoặc kinh nghiệm quản lý đã kinh qua các hoạt động thực tiễn sản xuất, điều hành… trong xã hội, được hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của cơ sở GDĐH bầu tham gia hội đồng trường của các trường ĐH là hoàn toàn phù hợp.
Sự tham gia của những cá nhân này vào hội đồng trường còn đảm bảo sự kết nối giữa đào tạo và thực tiễn, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động; bổ trợ cho những điểm còn thiếu, hạn chế của các thành viên trong trường về quản lý nhà nước, thực tiễn đời sống xã hội.
Bộ GD-ĐT cũng đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật GDĐH. Theo quy định của nghị định này, trong thời gian 6 tháng tính từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành, các trường ĐH phải kiện toàn hoặc thành lập hội đồng trường.
Do vậy, sau ngày 15.8.2020, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra việc thực hiện luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, trong đó có nội dung kiểm tra về tổ chức, hoạt động của hội đồng trường tại các cơ sở GDĐH.
Theo Đăng Nguyên/TNO
Bình luận (0)