I. VẬT LÝ:
Câu hỏi 1: Tại mã đề 128, câu 22 có hỏi: Phát biểu nào sau đây là sai khi nói về ánh sáng đơn sắc:
A. Ánh sáng đơn sắc là ánh sáng không bị tán sắc khi đi qua lăng kính.
B. Trong cùng một môi trường truyền, vận tốc ánh sáng tím nhỏ hơn vận tốc ánh sáng đỏ.
C. Trong chân không, các ánh sáng đơn sắc khác nhau truyền đi với cùng vận tốc.
D. Chiết suất của môi trường trong suốt đối với ánh sáng đỏ lớn hơn chiết suất của môi trường đó đối với ánh sáng tím.
Theo đáp án Bộ GD-ĐT công bố thì đáp án đúng phải là phương án D.
Tuy nhiên thí sinh Thủy ở Hà Nội cho hay: “Trong lúc làm bài thi em đã thấy có vấn đề và sau ngày thi em đã mang đề đi hỏi một số thầy cô dạy môn Lý cũng được giải đáp rằng câu này có 2 đáp án, hay đúng hơn nếu theo đáp án của Bộ là đáp án D thì ở đáp án B (trong đề 128, câu 22) phải nói rõ ràng là “trong cùng một môi trường truyền (không kể vận tốc trong chân không) vận tốc ánh sáng tím nhỏ hơn vận tốc ánh sáng đỏ”.
* Trả lời của Ban ra đề thi:
Theo sách giáo khoa Vật lí 12 cải cách (tài liệu được dùng chính thức để ra câu hỏi thi), khái niệm “môi trường” không bao gồm “chân không”. Điều này được thể hiện rõ ở các định nghĩa về chiết suất tuyệt đối và về ý nghĩa vật lí của chiết suất tuyệt đối như sau :
“Chiết suất tuyệt đối của một môi trường là chiết suất tỉ đối của môi trường đó với chân không” (trang 124).
“ Chiết suất tuyệt đối của các môi trường trong suốt tỉ lệ nghịch với vận tốc truyền của ánh sáng trong các môi trường đó”.
“Vì vận tốc ánh sáng trong các môi trường đều nhỏ hơn vận tốc ánh sáng trong chân không, nên chiết suất tuyệt đối của các môi trường luôn luôn lớn hơn 1” (trang 125).
“Chiết suất tuyệt đối của môi trường trong suốt cho biết vận tốc truyền ánh sáng trong môi trường đó nhỏ hơn vận tốc truyền ánh sáng trong chân không bao nhiêu lần” (trang 125).
Các định nghĩa và kết luận trên cũng có tương tự trong sách giáo khoa 11 nâng cao và cơ bản mới được biên soạn lại.
Như vậy, nếu hiểu khái niệm “môi trường” bao gồm cả “chân không” như một số người quan niệm thì không phù hợp với sách giáo khoa hiện hành và như thế cũng không thể xây dựng được khái niệm chiết suất tuyệt đối cũng như không xét được ý nghĩa vật lí của nó thông qua vận tốc truyền ánh sáng. Hai khái niệm này là khác nhau hoàn toàn.
Kết luận: Phương án B (mã đề 128) là đúng hoàn toàn và không cần phải bổ sung thêm điều gì nữa (và nếu bổ sung như trong ý kiến thắc mắc thì lại bị sai). Với câu hỏi này, chỉ duy nhất có phương án D là sai hoàn toàn.
Câu hỏi 2: Câu 5 (mã đề 128): Cho khối lượng hạt nhân Be là 10,0135 u. Trong các tài liệu khoa học và cả sách giáo khoa vật lý 12 đó là khối lượng của nguyên tử Be. Ai cũng biết rằng để có khối lượng hạt nhân phải lấy khối lượng nguyên tử trừ đi tổng khối lượng các electron có trong nguyên tử.
Nếu lấy đúng khối lượng hạt nhân thì đáp án không thể như của đề thi đã công bố. Nếu học sinh nào làm đúng như kiến thức đã được học (trừ đi khối lượng của các electron) thì kết qủa không như của đáp án đã cho!
Cũng trong câu này, đáp án cho đơn vị của năng lượng liên kết riêng là MeV. Việc lẫn lộn đơn vị của hai đại lượng khác nhau này là khó chấp nhận cho một kỳ thi quan trọng như thế này!
* Trả lời của Ban ra đề thi:
Khối lượng nguyên tử Beri là 10,0135u. Trong đó tổng khối lượng các electron chỉ gần bằng 0,002u, hoàn toàn có thể bỏ qua so với khối lượng hạt nhân. Vì vậy, do chỉ yêu cầu học sinh biết tính năng lượng liên kết riêng của hạt nhân và yêu cầu về độ khó trung bình của câu hỏi, câu hỏi không yêu cầu phải làm phép tính trừ đi các khối lượng này mà cho ngay khối lượng của hạt nhân là 10,0135 u (lưu ý, đề cho ngay khối lượng hạt nhân chứ không cho khối lượng nguyên tử).
Nếu thí sinh lại cố tình hiểu rằng đó là khối lượng nguyên tử thì đã không đọc kỹ đề bàivà chỉ nhớ máy móc một cách giải đã biết. Điều này cũng tương tự như trong một số câu hỏi, để đơn giản, người ta cho gia tốc rơi tự do g=10 m/s2 nhưng người trả lời lại cố tình lấy g=9,8 m/s2 là không đúng. Và như vậy, đáp án và câu trả lời đều phải lấy khối lượng hạt nhân beri là 10,0135u là dữ kiện mới đúng.
Về đơn vị năng lượng liên kết riêng “MeV” là hoàn toàn chính xác. Ta hãy xuất phát từ định nghĩa đại lượng này : “Năng lượng liên kết riêng là năng lượng liên kết tính cho một nuclon” (sách giáo khoa cải cách, phân ban). Từ định nghĩa này ta thấy năng lượng liên kết riêng có cùng thứ nguyên với năng lượng. Do đó đơn vị của nó phải là đơn vị năng lượng, ở đây, trong vật lí hạt nhân, đơn vị thường dùng là MeV. Về ý nghĩa vật lí, năng lượng liên kết riêng là năng lượng liên kết tính trung bình cho một hạt nuclon trong hạt nhân.
Vì vậy, người ta cũng có thể viết đơn vị của nó là MeV/nuclon. Chính vì vậy, với sách giáo khoa cải cách (đang dùng phổ biến hiện nay) các tác giả dùng đơn vị MeV, với sách giáo khoa phân ban (thí điểm), các tác giả lại dùng đơn vị MeV/nuclon. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng cách dùng đơn vị MeV là đơn giản và phù hợp hơn về mặt thứ nguyên vật lí vì “nuclon” là một hạt, nó không phải là một loại đơn vị vật lí, vì vậy bỏ nó đi là thích hợp.
Điều này cũng tương tự như thay vì viết số Avôgadro là 6,023.1023 nguyên tử/mol thì người ta chỉ viết 6,023.1023 mol-1. Hay thay vì viết đơn vị của tần số góc của dao động điều hòa là rad/s thì chỉ viết đơn giản là s-1. Những điều tương tự như vậy, học sinh phổ thông nếu hiểu bản chất vấn đề đều phải thấy được sự tương tự giữa chúng và có thể chọn đơn vị năng lượng liên kết riêng là MeV hoặc MeV/nuclon (hoặc MeV/hạt nuclon) mà không thể bị lầm lẫn.
Hơn nữa, ngay trong bài tập 48.10 của sách bài tập phân ban (thí điểm), khi yêu cầu tính năng lượng liên kết riêng của các hạt nhân cũng cho đáp số với đơn vị là MeV (mặc dù về lí thuyết, sách này cho đơn vị là MeV/nuclon).
Kết luận: Dữ kiện của câu trắc nghiệm và đáp án của nó là chính xác, không có sự lầm lẫn hoặc sai sót gì.
Câu hỏi 3: Câu 26 (mã đề 128) diễn đạt không chuẩn xác. Một khung dây có không chỉ một trục đối xứng. Nếu khung quay quanh trục đối xứng vuông góc với mặt phẳng khung, mà đường cảm ứng từ lại vuông góc với trục quay thì khung dây không cắt đường cảm ứng từ nào cả! Vì đề thi khác với SGK là không có hình vẽ nên việc mô tả phải không gây ra hiểu nhầm. Nếu tác giả đề thi nói rõ trục quay là trục đối xứng nằm trong mặt phẳng khung thì không có gì phải bàn cả.
* Trả lời của Ban ra đề thi:
Chính người hỏi đã trả lời một phần câu này. Chỉ có trường hợp trục đối xứng nằm trong mặt phẳng khung dây và các vecto cảm ứng từ vuông góc với trục này thì khi quay khung dây quanh trục đó từ thông qua khung dây mới biến đổi tuần hoàn và do đó mới có suất điện động cảm ứng biến thiên điều hòa trong khung.
Nếu trục đối xứng vuông góc với khung thì điều này không thể xảy ra. Ở đây, trong các phương án lựa chọn đã khẳng định có suất điện động cảm ứng.
Như vậy, chỉ có thể hiểu duy nhất là trục quay phải nằm trong mặt phẳng khung dây. Điều này cũng tương tự như trong câu hỏi tự luận có thêm dữ kiện “biết trong khung có suất điện động xoay chiều”. Đấy cũng là một sự khác biệt giữa cách ra câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm và tự luận. Chúng tôi đồng ý đề thi phải mô tả rõ hơn khi không có điều kiện vẽ hình nhưng cũng không thể mô tả thừa và dài dòng, làm thí sinh bị phân tán. Đồng thời, thí sinh cũng cần phải có những suy luận thêm về dữ kiện khi đọc câu hỏi để có cách làm đúng và lựa chọn chính xác phương án trả lời.
Câu hỏi 4: Câu 58 (mã đề 128): Phần đề dẫn cũng cần nói rõ là cho thiết bị đo tần số chuyển động trên một đường thẳng cho trước đi qua nguồn âm (coi là nguồn điểm). Vì nếu không, theo cách diễn đạt của đề thi, ta có thể hiểu thiết bị đo tần số di chuyển theo phương bất kỳ (không đi qua nguồn âm). Tất nhiên ở vị trí nào nguồn âm và thiết bị cũng vẫn cùng nằm trên đường thẳng.
Nếu vậy thì hiện tượng xảy ra không đơn giản và kết quả thu được sẽ không giống như các phương án trả lời mà đề thi đã nêu ra.
* Trả lời của Ban ra đề thi:
Phần dẫn câu trắc nghiệm này đã cho dữ kiện rất tường minh: “Biết nguồn âm và thiết bị luôn nằm trên cùng một đường thẳng”. Dữ kiện này là đầy đủ để diễn tả nguồn âm và thiết bị thu âm thỏa mãn các điều kiện để cho một cách tính và đáp án duy nhất. Xin lưu ý đến từ “luôn” và “một” của đề bài.
II. TIẾNG ANH
Câu hỏi: Em là một thí sinh vừa dự thi đợt II, kì thi tuyển sinh đại học và cao đẳng 2008 – khối D1. Sau khi xem xong đáp án chính thức môn Tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, em viết thư này vì có thắc mắc ở mã đề 105 có câu số 80 (phần sửa lỗi sai) như sau:
A child of noble birth, his name was famous among the children in that school.
A B C D
Đáp án của Bộ chọn là B. His name.
Tuy nhiên, theo chúng em, câu hỏi của đề thi như vậy chưa hoàn chỉnh về ngữ nghĩa cũng như không rõ hiện tượng ngữ pháp, vì vậy không thể đủ thông tin để xác định lỗi sai cho đúng được. Nếu đúng là đề thi có vấn đề như vậy, thì các học sinh làm sai câu này có quyền được tính điểm hay không?
Em rất mong được Bộ giải đáp thắc mắc trên một cách hợp lý nhất, và đảm bảo được quyền lợi cho thí sinh chúng em trong một kỳ thi quan trọng như thế này.
* Trả lời của Ban ra đề thi:
Thắc mắc của thí sinh nào đó về câu trắc nghiệm này được giải thích như sau:
Đây là lỗi thuộc kỹ năng viết do chủ ngữ của hai vế không đồng nhất. Do vậy, chỉ B là cần phải sửa, các phương án còn lại (A, C và D) không có lỗi.
Câu đúng được viết như sau: “A child of noble birth, he was famous …”. Câu trên là câu cô đọng và đặc ngữ của câu dài hơn “Being/As a child of noble birth, he was …”
Kết luận: Câu trắc nghiệm này là chính xác và phù hợp với yêu cầu của đề mục.
III. HÓA HỌC
Câu hỏi 1: Khối B: Câu 1 mã đề 695 đáp án của bộ là D tức là có 4 chất tham gia phản ứng tráng gương nhưng em chưa hiểu tại sao lại chỉ có 4 chất Vì C2H2, CH3CHO, HCOOH, HCHO đều tham gia phản ứng tráng gương đồng thời Mantozo cũng tham gia phản ứng tráng gương.
* Trả lời của Ban ra đề thi:
Về câu: Cho dãy các chất: C2H2, HCHO, HCOOH, CH3CHO, (CH3)2CO, C12H22O11(mantozơ). Số chất trong dãy tham gia được phản ứng tráng gương là A. 6. B. 4. C. 5. D. 3.
Phương án B là đáp án của câu hỏi trắc nghiệm này.
Phản ứng tráng gương là phản ứng đặc trưng của những chất có nhóm chức anđehit tác dụng với Ag2O (hoặc AgNO3) trong dung dịch NH3 sinh ra Ag bám vào thành bình tạo lớp gương sáng (trang 22, 26 SGK Hóa học 12 không phân ban)
Trong số 6 chất nêu trên, (CH3)2CO và C2H2 không có chức anđehit nên không có phản ứng tráng gương.
C2H2 tác dụng được với Ag2O (hoặc AgNO3) trong dung dịch NH3 nhưng lại sinh ra C2Ag2 kết tủa màu vàng (trang 104, 105 SGK Hóa học 11 không phân ban), như vậy đây không phải là phản ứng tráng gương.
Câu hỏi 2: Câu 18 mã đề 195: Đun nóng một rượu (ancol) đơn chức X với dung dịch H2SO4 đặc trong điều kiện nhiệt độ thích hợp sinh ra chất hữu cơ Y, tỉ khối hơi của X so với Y là 1,6428. Công thức phân tử của Y là:
A. C3H8O. B. C2H6O. C. CH4O. D. C4H8O.
Theo phản ánh thì phải tìm công thức phân tử của X mới đúng. Vì nếu là Y thì đáp án của Bộ là sai.
* Trả lời của Ban ra đề thi:
Đây là một sơ suất đáng tiếc của tổ bộ môn trong khi biên tập câu trắc nghiệm (đúng ra là phải ghi X thì lại ghi là Y). Bộ đã có điều chỉnh đáp án và hướng dẫn chấm kịp thời trước khi gửi các file chấm cho các đơn vị, theo đó: không cho điểm đối với câu này, chia đều tổng số điểm của toàn bài thi cho các câu còn lại.
Nguyễn Hùng (dantri.com.vn)
Bình luận (0)