Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ GD-ĐT vẫn ra đề thi tốt nghiệp THPT năm tới

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT đề xuất trong năm 2021 và thời gian đầu của giai đoạn 2021 – 2025, Bộ tiếp tục tổ chức xây dựng, cung cấp đề thi cho các địa phương, bảo đảm sự thống nhất trong đánh giá trên toàn quốc.
Thí sinh hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kỳ thi năm 2021 về cơ bản vẫn sẽ giữ như năm nay	 /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Thí sinh hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kỳ thi năm 2021 về cơ bản vẫn sẽ giữ như năm nay. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ngoài việc sẽ tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có điều kiện, về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo phương án mới nhất của Bộ GD-ĐT là sẽ giữ ổn định, trên tinh thần không gây xáo trộn cho việc dạy học lớp 12 năm học này.
Chiều 23.9, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã họp phiên toàn thể, trong đó có nội dung về định hướng tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2021.
Vẫn có 5 bài thi
Trao đổi với PV sau cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết tại phiên họp, Bộ đề xuất phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, phương án bộ này đề xuất và được đa số thành viên Hội đồng đồng tình là đảm bảo nguyên tắc kỳ thi năm 2021 giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình như đã tổ chức năm 2020. Trong đó, sẽ thực hiện phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở giáo dục ĐH.
Xét công nhận tốt nghiệp có cộng điểm năm lớp 12
Một trong những nội dung Bộ GD-ĐT xin ý kiến của hội đồng là việc xét công nhận tốt nghiệp chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, không tính thêm tỷ lệ điểm trung bình năm học lớp 12 như hiện nay. 
Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết nội dung này vẫn còn ý kiến khác nhau trong hội đồng tại phiên họp chiều 23.9. Do đó, Bộ sẽ tiếp tục tiếp thu và nghiên cứu thêm nhưng chưa áp dụng cho năm 2021. Một số ý kiến cho rằng, vẫn cần cộng điểm học bạ lớp 12 để có sự đồng bộ khẳng định tầm quan trọng của kết quả đánh giá thường xuyên. 

Về hình thức thi, kỳ thi tốt nghiệp trong giai đoạn tới kết hợp thi trên giấy (theo phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020) lẫn thi trên máy tính. Bên cạnh đó, các địa phương được khuyến khích tổ chức thi trên máy tính khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện: ngân hàng câu hỏi thi, nhân lực, thiết bị, quy trình… Thi trên máy tính phải được tính toán để bảo đảm các yêu cầu tương quan với thi trên giấy và thí sinh có thể được dự thi một số lần trong năm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm tới vẫn có 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học); 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đối với thí sinh giáo dục THPT và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh GDTX.
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Ngân hàng câu hỏi thi được bổ sung về số lượng và đảm bảo chất lượng, khách quan, tin cậy và độ cân bằng giữa các đề thi.
Từ năm 2022, địa phương sẽ ra đề thi ?
Bộ đề xuất lộ trình thực hiện phương án thi cho từng năm trong giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể:
Năm 2020, quyết định và công bố lộ trình triển khai để các bên liên quan biết, chủ động kế hoạch triển khai, nhất là đối với các sở GD-ĐT và các cơ sở giáo dục đại học.
Năm 2021, tổ chức thi cơ bản ổn định như năm 2020, phù hợp với mục đích của kỳ thi; ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi, quy định về tổ chức thi trên máy tính và thực hiện các thử nghiệm cần thiết.
Từ năm 2022, tổ chức thi cơ bản như năm 2020 phù hợp với mục đích của kỳ thi; từng bước triển khai thi trên máy tính (các địa phương đủ điều kiện) và giao các địa phương đủ điều kiện xây dựng và sử dụng ngân hàng câu hỏi, đề thi phù hợp với điều kiện của địa phương.
Từ năm 2023, chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện.

Bộ cũng đề xuất trong năm 2021 và thời gian đầu của giai đoạn 2021 – 2025, Bộ tiếp tục tổ chức xây dựng, cung cấp đề thi cho các địa phương, bảo đảm sự thống nhất trong đánh giá trên toàn quốc; đồng thời, có quy định (ma trận/cấu trúc đề thi, ngân hàng câu hỏi, quy trình thực hiện) và giải pháp hỗ trợ các địa phương xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để có đủ điều kiện chủ trì ra đề thi các năm sau.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ cho biết sẽ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn tổ chức thi trên máy tính, tổ chức thẩm định và giám sát việc bảo đảm các quy định về tổ chức thi trên máy tính đối với các địa phương đáp ứng tiêu chuẩn; ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh.
Các tỉnh chủ trì chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo quy định của luật Giáo dục và quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT ban hành.
Tuyển sinh ĐH: Công bố trước 3 năm nếu thay đổi lớn
Về tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ khẳng định sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định. Thực hiện lộ trình đổi mới từng bước để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, tránh gây xáo trộn lớn; tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH trong tuyển sinh; công bằng giữa các thí sinh, xã hội giám sát, từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến về giáo dục trên thế giới.
Để bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh; cơ sở đào tạo có phương án và kế hoạch triển khai rõ ràng và thực hiện đúng cam kết; công tác tuyển sinh của trường cần ổn định trong nhiều năm, nếu dự định thay đổi lớn cần thông báo trước 3 năm.
Cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học
Chiều qua 23.9, tại phiên họp Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó chủ tịch Hội đồng chủ trì, đã thảo luận về vấn đề sách tham khảo. 
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng có lợi ích nhóm liên quan đến sách tham khảo và đề nghị cấm tất cả các loại sách tham khảo ở bậc tiểu học. Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Lân Dũng cho hay các nước có sách tham khảo nhưng không phải là bắt buộc mà ai muốn đọc gì thì đọc, nhất là các giáo viên để giảng dạy cho phong phú chứ không phải là học sinh. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ phải sửa đổi, bổ sung quy định không chỉ cấm sách tham khảo trong trường học mà phải cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học. Theo ông Đam, nếu không quản lý chặt chẽ sách tham khảo thì sẽ đi ngược lại mục đích giảm tải chương trình giáo dục.
Đối với vấn đề xuất hiện tình trạng thiếu sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cam kết sẽ có những giải pháp không để xảy ra tình trạng này như vừa qua. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu việc đưa sách giáo khoa tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian và khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ.
Chí Hiếu

Bộ cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH liên kết để tổ chức các kỳ thi, kiểm tra đánh giá năng lực và sử dụng chung kết quả để tuyển sinh; từng bước hình thành các tổ chức khảo thí liên kết hoặc độc lập, tránh tình trạng thí sinh phải tham dự nhiều kỳ thi gây áp lực và lãng phí.
Riêng việc tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên, cần thúc đẩy để cơ chế chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tiễn. Ngoài ra, phải linh hoạt trong nguồn tuyển (không chỉ phụ thuộc vào thi tốt nghiệp THPT).
Bộ cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh ĐH, CĐ.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)