Hội nghị giao ban năm học 2011-2012 của 5 thành phố trực thuộc T.Ư diễn ra sáng qua 14.10 tại Hà Nội đã không “êm ái” khi Bộ GD-ĐT yêu cầu phải nhìn thẳng vào sự thật để xử lý tình trạng lạm thu.
Bộ cấm, các sở xin… đừng
Báo cáo của cả 5 sở GD-ĐT thành phố trực thuộc T.Ư là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ chủ yếu nói về thành tích, giải pháp, kiến nghị… hầu như không đề cập đến hàng loạt vấn đề đang là mối quan tâm và bức xúc rất lớn của dư luận xã hội như: lạm thu, dạy thêm, học thêm tràn lan… và cách thức xử lý ra sao.
Những TP như Hà Nội, TP.HCM được coi là có nhiều trường xảy ra tình trạng lạm thu nhất thì hầu như không đả động gì đến thực trạng này.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT xin phép bỏ điều cấm mà Bộ GD-ĐT quy định trong hướng dẫn thu chi của các trường. Theo đó, không nên cấm nhà trường huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh trong hỗ trợ dạy học hoặc trang bị cơ sở vật chất trường học cũng như hỗ trợ hoạt động dạy học ở một số địa phương. Ông Đạt lý giải: nếu không có kinh phí đóng góp của phụ huynh, một cái bóng đèn phòng học bị hư, nếu chờ ngân sách thì phải 2, 3 tháng sau mới thay được.
Ông Nguyễn Kim Hoãn, Chủ tịch Hội Khuyến học HN cũng bày tỏ: huy động đóng góp từ nhân dân cho giáo dục là rất cần thiết, không nên vì khoảng 20-30% người dân khó khăn ở nội thành mà cấm số đông còn lại có mong muốn hỗ trợ kinh phí cho giáo dục. Tuy nhiên phải xem lại cách làm.
Ông Hoãn đề xuất: hội khuyến học có thể nghiên cứu một hình thức đóng góp để tránh lạm thu và mong muốn thực hiện thí điểm thông qua hướng dẫn hoạt động cho hội khuyến học của các trường. Chỉ huy động phụ huynh có điều kiện đóng góp chứ không phải bắt tất cả phụ huynh phải đóng cùng một mức.
Sự đóng góp của phụ huynh giúp cơ sở vật chất và hỗ trợ hoạt động dạy học được tốt hơn (ảnh có tính chất minh họa, không phải trường đề cập trong bài viết) – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Không giải quyết theo kiểu “chườm đá”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT thẳng thắn nhận định: trong khi dư luận đang rất bức xúc về vấn đề lạm thu, chúng tôi thường xuyên nhận được phản ánh của phụ huynh, của báo chí về lạm thu thì tại sao báo cáo, tham luận của hội nghị lại không hề nói đến vấn đề này?
Ông Hùng làm nóng hội nghị bằng dẫn chứng: mới hôm qua, tôi vừa đọc trên Báo Thanh Niên có bài phản ánh về lạm thu, chỉ rõ tên các trường. Vậy tại sao không kiểm tra, xử lý? Khi đã có địa chỉ rõ ràng thì phải kiểm tra, có kết quả kiểm tra rồi thì phải xử lý, không thể biện minh là vì ngân sách cấp không đủ để thu chi sai tràn lan như vậy. “Tôi thấy việc xử lý lạm thu chưa thỏa đáng ở các địa phương” – ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT tiếp lời: rất nhiều thông tin báo chí nêu về lạm thu là đúng. Chúng ta phải khẳng định là triệu chứng “sốt” thì rõ rồi, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao “sốt”, “viêm nhiễm” ở đâu. Nếu cứ chỉ “chườm đá”, xoa xoa thì không giải quyết được vấn đề.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển quyết liệt: Chính những thành phố lớn là những nơi nhiều bức xúc nhất về lạm thu. Tình hình căng thẳng hơn ở các nơi khác thì lẽ ra phải xử lý cứng rắn hơn các nơi khác.
Ông Hiển cũng dẫn chứng về cách làm quyết liệt của TP Đà Nẵng mới đây để xử lý về lạm thu ở một lớp học của một trường và đặt vấn đề: Tại sao Đà Nẵng làm được mà Hà Nội và TP.HCM không làm được. Nếu cứ báo cáo theo kiểu vui vẻ, “êm ái” thế này rồi chẳng có chuyển biến gì, thì dân không tin và không nghe nữa.
Ông Hiển yêu cầu: ngay sau đây các địa phương có tình trạng lạm thu phải làm rõ vi phạm của các trường và kỷ luật những người cố tình làm sai.
Liên quan đến việc huy động đóng góp của dân cho GD-ĐT, ông Hiển nhấn mạnh: vẫn rất cần và khuyến khích nhưng đó là hỗ trợ tự nguyện chứ không quy định thành các khoản đóng góp đồng loạt. Nhà trường không đứng đằng sau ban phụ huynh để làm những việc không làm được. Tất cả các khoản hỗ trợ tới đây phải do nhà trường tiếp nhận và thu chi công khai, minh bạch.
Theo Tuệ Nguyễn
(TNO)
Bình luận (0)