Bộ GD-ĐT vừa có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra việc trang bị sách giáo khoa, tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục năm học mới.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản gửi Giám đốc các Sở GD-ĐT về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ GD-ĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị sách giáo khoa theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021.
Sách giáo khoa lớp 1 |
Đối với tài liệu tham khảo, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT ngày 07/7/2014 Quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và Điều lệ trường học. Trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.
Trước ngày 20/9/2020, các Sở GD-ĐT phải báo cáo về Bộ kết quả thực hiện các nội dung nêu trên.
Theo quy định, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục 2018 có 8 cuốn bắt buộc và một môn tự chọn. Các sách giáo khoa bắt buộc gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên – xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách tiếng Anh tự chọn.
Ngoài các cuốn sách giáo khoa chính thức trên đây, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Tuy nhiên, trước thềm năm học mới, một phụ huynh có con vào học lớp 1 Trường tiểu học An Phong, Quận 8, TP.HCM phản ánh, danh sách trường đưa ra với 25 hạng mục bao gồm sách giáo khoa, vở bài tập, sách tiếng Anh của các bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống (tùy môn). Ngoài ra, có sách bổ trợ, tập, bảng viết, tổng cộng 807.000 đồng. Trong đó, đắt nhất là sách tiếng Anh I-Learn Smart Start có giá 146.000 đồng/cuốn, bộ sách thực hành Toán, Tiếng Việt 1 có giá 173.400 đồng.
Tương tự, Trường tiểu học Lê Thế Long (Thanh Hóa) yêu cầu phụ huynh phải đóng hơn 700.000 đồng để mua sách vở và đồ dùng học tập. Năm học này trường chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều, đi kèm là bộ thực hành Toán – Tiếng Việt và bộ hình khối môn toán.
Đến khi nhận sách, phụ huynh không biết đâu là sách giáo khoa, đâu là sách bổ trợ vì sách lớp 1 được bán theo bộ. Năm đầu tiên đổi sách, nhà trường yêu cầu mua 100% nên tất cả phụ huynh đều bắt buộc đóng tiền rồi nhận sách.
Theo giá niêm yết của các nhà xuất bản, bộ sách giáo khoa mới có giá khoảng 179.000 đồng đến 199.000 đồng/bộ. Tuy nhiên nhiều phụ huynh đang phải bỏ ra số tiền gấp 3- 4 lần để có sách cho con học tập…
Theo Đại Minh/PNO
Bình luận (0)