Người học là tâm điểm của Chiến lược giáo dục 2009-2020. |
4 câu hỏi là:
1. Việc xây dựng dự thảo Chiến lược giáo dục 2009 – 2020 được tiến hành như thế nào?
2. Chiến lược phát triển giáo dục 2009 – 2020 có gì mới?
3. Tại sao lại chọn quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là những giải pháp mang tính đột phá?
4. Chiến lược phát triển giáo dục 2009 – 2020 có chú trọng tới người học không?
Trả lời câu hỏi "Việc xây dựng dự thảo Chiến lược giáo dục 2009 – 2020 được tiến hành như thế nào?", Bộ GDĐT cho biết, dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục (CLPTGD) được khởi động từ sau khi Bộ GDĐT tiến hành tổng kết, đánh giá thực hiện giai đoạn I của CLPTGD 2001 – 2010 (tháng 7.2007).
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo đánh giá thực hiện giai đoạn I CLPTGD 2001 – 2010, lãnh đạo Bộ GDĐT đã giao cho Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (nay là Viện Khoa học Giáo dục VN) khởi thảo đề cương xây dựng CLPTGD giai đoạn 2008 – 2020. Để có cơ sở khoa học xây dựng CLPTGD, bộ trưởng đã ký quyết định thành lập 27 nhóm nghiên cứu, gồm các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục trong và ngoài ngành theo 27 chuyên đề.
Đến tháng 4.2008, dự thảo CLPTGD được hoàn thành và tổ chức xin ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị, văn hoá – xã hội. Trên cơ sở đóng góp ý kiến qua các hội nghị, hội thảo khoa học, Ban soạn thảo chiến lược đã chỉnh sửa, bổ sung thành phiên bản thứ 13 của dự thảo CLPTGD. Dự thảo lần thứ 13 CLPTGD giai đoạn 2009 – 2020 đã được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến đóng góp của toàn xã hội.
"CLPTGD 2009 – 2020 có gì mới?". Theo bộ, có các điểm mới ở CLPTGD 2009 – 2020. Trong đó:
1. Đánh giá thực trạng giáo dục VN một cách khách quan toàn diện với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Không tô đậm thành tích, nhưng cũng không phủ nhận những thành tựu to lớn của giáo dục trong những năm gần đây, đồng thời cũng chỉ ra những yếu kém, thiếu sót cơ bản của giáo dục, làm cho toàn xã hội lo lắng.
2. Dự thảo CLPTGD lần này đưa ra 6 quan điểm phát triển giáo dục, trong đó có những quan điểm đã được nêu ra trong các nghị quyết và các văn kiện khác của Đảng và Nhà nước, nhưng được trình bày một cách cụ thể hơn, cũng có những quan điểm mới thích ứng với bối cảnh trong nước và quốc tế, thích ứng với các xu thế của thời đại.
3. CLPTGD 2009 – 2020 đã: Xác định rõ tầm nhìn giáo dục Việt Nam trong vòng 2 thập kỷ tới. Xác định 3 mục tiêu chiến lược. Mục tiêu đầu tiên đề cập đến quy mô giáo dục được phát triển hợp lý, một mặt chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hội nhập quốc tế; mặt khác, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Mục tiêu thứ hai hướng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục, có thể tiếp cận với chất lượng giáo dục của khu vực và quốc tế. Mục tiêu thứ ba đề cập đến việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho giáo dục…
Với câu hỏi "Tại sao lại chọn quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là những giải pháp mang tính đột phá?", Bộ GDĐT lý giải: Đổi mới quản lý giáo dục là giải pháp đột phá vì lý luận và thực tiễn cho thấy, quyết định sự vận hành của một hệ thống có đi đến mục tiêu đã định hay không là do quản lý hệ thống. Trước hết, phải đổi mới quản lý giáo dục để đảm bảo cho hệ thống giáo dục vận hành theo đúng quy luật đi đến mục tiêu đã định.
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới cũng là giải pháp đột phá, vì đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục quyết định việc hiện thực hoá mọi chủ trương, đường lối giáo dục của của Đảng và Nhà nước, quyết định sự phát triển quy mô cũng như chất lượng của giáo dục. Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tốt thì mới phát huy tác dụng tích cực của các điều kiện khác, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Bộ GDĐT cũng khẳng định, người học là tâm điểm của CLPTGD 2009 – 2020. Điều này được thể hiện trong quan điểm đầu tiên, khẳng định mục tiêu đào tạo của giáo dục VN là "đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện…".
Ngân Anh (Theo LĐ)
Bình luận (0)