Mặc dù Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng trong nhiều trường hợp giao chỉ tiêu tuyển sinh tỏ ra không nghiêm nhất là đối với các trường ngoài công lập.
Đó là một trong những nội dung dự thảo báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” của Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa thực hiện.
Theo báo cáo, kết quả giám sát chất lượng tuyển sinh hiện nay rất thấp. Với quy mô đào tạo hàng năm tăng trung bình 13%, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của các trường đều tăng. Phần lớn các trường ngoài công lập, trường quốc tế tuyển sinh với điểm chuẩn sát điểm sàn. Đặc biệt, trường ĐH RMIT có vốn đầu tư 100% của Australia không tham gia kỳ thi “ba chung” với các trường ĐH, CĐ trong cả nước mà tuyển toàn bộ những học sinh tốt nghiệp THPT có nguyện vọng vào trường.
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng trong nhiều trường hợp việc giao chỉ tiêu tuyển sinh tỏ ra không nghiêm, nhất là đối với các trường ngoài công lập thường có đội ngũ cán bộ cơ hữu mỏng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
Hơn nữa, tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường ngoài công lập rất cao. Ví dụ: trong vòng 4 năm, từ 2006 đến năm 2009, chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH DL Quang Trung tăng từ 700 đến 3.300; ĐH DL Hùng Vương tăng từ 1.000 đến 2.100…
Thí sinh dự thi ĐH – CĐ năm 2009.
Do chạy theo mục tiêu học phí, dù chỉ tiêu tuyển sinh được giao đã khá rộng rãi, nhiều trường vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu (riêng năm 2009 đã có 32 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, điển hình là trường CĐ Cần Thơ vượt 88,64%, trường ĐH Phan Thiết vượt chỉ tiêu 91,73%), thậm chí có trường tự tuyển thêm hàng trăm sinh viên vào những ngành Bộ chưa cho phép mở nhưng chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, một số trường ĐH mở nhiều cấp học, từ trung cấp đến sau đại học, trong khi Luật Giáo dục chỉ cho phép các trường ĐH đào tạo cấp học từ Cao đẳng trở lên nhưng Bộ GD-ĐT chưa xử lý trường hợp nào.
Đoàn giám sát cũng cho biết, việc tuyển sinh các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết, liên thông còn bị buông lỏng hơn.
Đặc biệt, điều mà Đoàn giám sát lo lắng nhất là trong lĩnh vực đào tạo SĐH, việc tuyển sinh còn ít tính sàng lọc hơn nhiều lần so với đào tạo ĐH,CĐ. Có tình trạng một số trường, số chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ cao hơn so với số thí sinh nộp đơn xin dự tuyển (năm 2008, ĐH QG TP.HCM có 154 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ nhưng chỉ có 140 thí sinh dự tuyển), có trường hợp, khi Bộ GD-ĐT thẩm định lại 17 bài thi môn tiếng Anh của thí sinh nghiên cứu sinh, chỉ có 2 bài đạt yêu cầu.
Đối với đội ngũ giảng viên (GV), ở các trường ngoài công lập, số giáo viên cơ hữu rất thấp, chủ yếu là GV thỉnh giảng. Cá biệt có trường ĐHDL Đông Đô chỉ có 53 GV cơ hữu, trong khi đó số GV thỉnh giảng là 375. Bên cạnh đó, giờ giảng của GV một số trường, một số môn học quá cao, đặc biệt là GV các môn chung như Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Ngoại ngữ, GD Thể chất… và GV nhóm ngành hấp dẫn như Công nghệ thông tin, Ngân hàng, Tài chính – Kế toán… nhiều giáo viên dạy tới 1000 tiết/năm trong khi quy định là 260 tiết/năm.
Đoàn giám sát khẳng định, tất cả các điều nói trên dẫn đến tình trạng chất lượng đầu vào của một bộ phận lớn sinh viên và học viên SĐH rất yếu, không phù hợp với yêu cầu đào tạo nhận lực có chất lượng.
Đoàn giám sát đề nghị với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng các trường ĐH,CĐ, công khai kết quả kiểm định, làm cơ sở để phân loại chất lượng các trường. Quản lý khâu kiểm tra đánh giá, đánh giá chất lượng đào tạo thông qua kiểm định chất lượng chất lượng đào tạo bằng các cơ sở kiểm định độc lập.
Ban hành các tiêu chí để xác định chuẩn chất lượng đối với đào tạo đại trà, đồng thời xây dựng khung học phí áp dụng đối với đào tạo đại trà theo từng ngành nghề đào tạo và được thu mức học phí cao hơn tương xứng với đào tạo chất lượng cao.
Hồng Hạnh / Dan tri
Bình luận (0)