Quá trình cải cách hệ thống giáo dục Bulgaria kéo dài từ cuối những năm 80 đến nay xuất phát từ những thay đổi trong xã hội và nhiệm vụ cơ cấu lại nhà nước.
Trong quá trình này, những thay đổi căn bản trong lĩnh vực giáo dục đại học đã được thực hiện, còn chuyển biến trong giáo dục phổ thông được tiến hành với tiến độ chậm hơn.
Tại trường Đại học của Bulgaria. Nguồn ảnh: novinite |
Cải cách là cuộc đua chất lượng
Bulgaria đã xác lập sự tương hợp giữa nhà trường phổ thông và hệ thống giáo dục trung học ở châu Âu, triển khai giáo dục phổ thông theo hệ thống 12 lớp và thống nhất thi tốt nghiệp đầu ra trường phổ thông và đại học làm một, nhằm phá vỡ lề thói “phụ đạo” (tutoring) ở đầu vào đại học, hình thành từ kỷ nguyên Xô-viết.
Niên khoá 2001-2002 là năm chuyển tiếp khi thí sinh được lựa chọn giữa hai cách thi cũ và mới.
Nhưng kể từ kỳ thi niên khoá 2002-2003 đã gộp làm một hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và đại học.
Cải cách giáo dục ở Bulgaria tiến hành trong điều kiện phải đảm bảo các phương châm truyền thống như duy trì giáo dục phổ cập và không mất tiền ở các trường công lập; đảm bảo liên thông giữa giáo dục phổ thông với đào tạo nghề; đảm bảo tương tác hiệu quả giữa các giáo dục bắt buộc và đào tạo bổ trợ…
Các nỗ lực mới nhằm hướng đẩy mạnh quá trình quốc tế hoá trong lĩnh vực giáo dục nhằm tranh thủ các khoản tín dụng của Ngân hàng Thế giới, giảm tải về nội dung kiến thức, làm tăng sức hấp dẫn của quá trình học.
Chiến lược phát triển giáo dục so với thời trước có vẻ không hoành tráng, các mục tiêu có vẻ quá cụ thể.
Nhưng nó sẽ không đặt những ai quản lý giáo dục vào thế “con le le” (đánh trống bỏ dùi)…
Đồng thời, học sinh và thầy cô sẽ không cảm thấy mình là đối tượng của những thử nghiệm mà kết quả không thể tiên liệu.
Bộ Giáo dục và Khoa học Bulgaria không chống lại những phương pháp học mới, như học từ xa, nhưng khẳng định rằng cần phải soạn thảo các chuẩn mực kiểm soát chất lượng (bằng cấp) học từ xa.
Đồng thời, các cơ cấu trung gian tiến hành dịch vụ giảng dạy từ xa hiện chưa được chấp nhận.
Đảm bảo chất lượng đào tạo đại học là một trong những thành tố quan trọng của cải cách giáo dục ở Bulgaria hiện nay.
Bộ Giáo dục và Khoa học Bulgaria chủ trương duy trì cấp độ tập trung hoá cao trong chỉ đạo tiến trình cải cách.
Bộ xác lập quy chế và kiểm soát mọi các hoạt động của các trường đại học (bước vào thế kỷ 21, ở Bulgaria có 28 trường đại học công lập, 4 trường đại học tư thục, 5 trường ĐH y khoa, và 5 trường ĐH quân sự).
Trong khuôn khổ chương trình cấp nhà nước về nâng cao chất lượng giáo dục lên tầm châu Âu, có chủ trương dành cho các trường đại học quyền tự chủ nhiều hơn, và tạo nhiều cơ hội hơn cho các trường này tự hiện đại hoá quá trình đào tạo.
Đã thấy rõ yêu cầu thay thế các tiêu chuẩn đào tạo ngặt nghèo của nhà nước hiện hành bằng dự án “kiến tạo khả năng cạnh tranh của hệ thống giáo dục và khả năng quản trị đào tạo đại học” mà Cộng đồng châu Âu đề nghị Bulgaria tiến hành.
Bộ Giáo dục và Khoa học nhận thấy một trong những nguyên nhân tiếp tục giảm chất lượng đào tạo là chạy theo số lượng, gồm cả xu hướng mở trường đại học mới lẫn mở thêm các phân hiệu tại các trường đại học hiện hữu.
Điều này sẽ làm tăng lượng cử nhân – thạc sĩ đầu ra. Nhưng vì không đủ giảng viên, đã dẫn tới thực trạng “chạy sô” (cùng một lúc giảng dạy ở nhiều cơ sở, kể cả ở thành phố khác), và tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” trong cán bộ giảng dạy trường công lập.
Luật mới về giáo dục ở Bulgaria – hiện đang ở giai đoạn soạn thảo, lần đầu tiên sẽ làm nổi bật các khái niệm như thiết lập cơ chế tự đánh giá và tự kiểm soát trong từng trường đại học, xác lập các điều kiện để thúc đẩy quá trình phát triển tự thân của hệ thống giáo dục đại học theo quan hệ cung cầu trong xã hội.
Hiện tại, hàng vạn kỹ sư, kỹ thuật viên trung cấp và công nhân lành nghề của Bulgaria đang làm việc ở các nước thuộc thế giới Ả rập, châu Mỹ la tinh, châu Phi và châu Á.
Xu thế hoà nhập thúc đẩy nhu cầu nắm vững ngoại ngữ và khả năng thích nghi với địa bàn mới của lực lượng lao động được xem là có trình độ chuyên môn cao của Bulgaria.
Ở đây, phải ghi nhận công lao của hệ thống các trường trung học kỹ thuật (tekhnikum) từ thời kỳ Đông Âu XHCN, từng cho ra lò nhiều thế hệ chuyên gia có tay nghề vững vàng, nhưng không đòi hỏi trả công lao động cao. Nhờ một truyền thống tổ chức sản xuất kiểu “ăn chắc mặc bền”, đội ngũ chuyên gia, cả công nghiệp lẫn nông nghiệp, của Bulgaria có tính cạnh tranh cao khi xuất khẩu vào các nước đang phát triển.
Nhà nước khuyến khích tăng lượng đầu vào của lưu học sinh nước ngoài, hiện đã khá đông.
Chỉ riêng Đại học Tổng hợp Sophia đã có tới 1.500 sinh viên nước ngoài.
Hiện nay số lưu học sinh Bulgaria tại các nước phát triển trong cộng đồng châu Âu chưa đáng kể, chủ yếu là do chi phí du học cao, phần vì bằng cấp nước ngoài không hẳn là ưu thế trong tuyển dụng lao động ở Bulgaria.
Hiện tại, cải thiện chất lượng đào tạo trong nước để bằng cấp của Bulgaria được công nhận ngày một rộng rãi trên thế giới lấn át xu thế vay mượn mô hình phát triển giáo dục nước ngoài.
Những quyết sách mới
Trong những động thái gần đây nhất, Bộ Giáo dục và Khoa học Bulgaria tỏ ra “trực diện với thách thức”.
Ngày 30/3/2009, Bộ trưởng Daniel Vyltchev cảnh cáo những biểu hiện nhấn mạnh sự khác biệt tôn giáo trong nhà trường.
Ông cho biết thêm: “Nhiều người xem chuyện này là nghiêm trọng, tôi không nghĩ như thế”.
Tuy nhiên, theo báo Monitor, chỉ 15 ngày sau, trong phiên họp của Uỷ ban Tôn giáo – Nhân quyền của Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và KH Daniel Vyltchev cho biết sẽ cấp kinh phí cho trường đại học công lập nào đồng ý mở khoa tôn giáo và văn hoá.
Đầu tháng 4, Hãng Thông tấn Bulgaria Novinite cho hay Bộ Giáo dục và Khoa học nước này vừa thông qua một dự án đầy tham vọng, thực hiện trong nhà trường trong 2-3 năm tới. Theo đó tất cả các dữ liệu học tập như thời khoá biểu, các học sinh không lên lớp, điểm số các bài kiểm tra, bài thi… sẽ được kết nối trực tuyến.
Ban đầu, một chuyên gia IT sẽ được mỗi trường thuê để nhập dữ liệu lên mạng, nhưng tiến tới mỗi thầy cô sẽ phải sử dụng laptop để ghi chép nhật ký lên lớp, cũng là một cách báo cáo kết quả giảng dạy.
Các phụ huynh thì qua Internet có thể xem con mình có đi học đều không, đồng thời so sánh lực học của con mình với bạn học cùng trường, cũng như với lực học trung bình của học sinh cùng vùng hay trên cả nước.
Lê Đỗ Huy (TH) Theo VNN
Bình luận (0)