Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ Giáo dục có thể chấm thẩm định thi tốt nghiệp THPT

Tạp Chí Giáo Dục

"Bộ sẽ kiểm tra, rà soát những nơi có thông tin hướng dẫn chấm thi dễ dãi hơn đáp án của Bộ, kiên quyết không để tình trạng dong công, phóng điểm diễn ra", Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi tốt nghiệp THPT khẳng định với VnExpress.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh: Hoàng Thùy.

– Có thông tin ở một số địa phương thanh tra hướng dẫn chấm điểm dễ dãi hơn so với đáp án bộ đưa ra. Ví dụ như ở đề thi Văn, câu số 1 thí sinh chỉ cần viết được từ "đàn bà" là có điểm trong khi đáp án là "màu hồng của ánh sương mai và người đàn bà vùng biển", hay câu 3 phân tích nhân vật Tràng thì học sinh chỉ cần tóm tắt truyện cũng được 3 điểm. Là trưởng ban chỉ đạo cuộc thi, ông có biết việc này không?

– Thông tin này tôi cũng vừa được nghe báo cáo, hiện nay đang cho kiểm tra, xác minh lại. Theo nguyên tắc thì chỉ có một hướng dẫn chấm thi của Bộ, các Sở không có hướng dẫn gì thêm. Tuy nhiên, đề Văn là đề thi mở nên việc chấm thi cũng không thể máy móc, phải tùy theo sự sáng tạo của từng thí sinh để đánh giá.

Nhưng dù thế nào cũng không được vì thế mà dong công, phóng điểm. Không để tình trạng không học được, không làm được vẫn được điểm cao. Bộ sẽ xác minh và nếu cần thiết sẽ chấm thẩm định, xử lý theo quy chế.

– Năm nay tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp rất cao, nhiều nơi giáo dục thường xuyên còn cao hơn THPT, đó có phải là do đề thi quá dễ không, thưa ông?

– Bộ Giáo dục ra đề thi theo chuẩn kiến thức và kỹ năng, không lấy mức độ dễ hay khó của học sinh làm chuẩn. Đối với những em cố gắng học tập, tiếp thu tốt thì cho rằng đề dễ và ngược lại, vì thế không thể đánh giá đề khó hay dễ được. Khó dễ là ở từng người.

Những năm gần đây, việc thi cử được siết chặt, quá trình đào tạo, bồi dưỡng cũng được nâng lên, chất lượng học sinh khá hơn, đó cũng là một nguyên nhân khiến các em dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Hơn nữa, ngay lúc kỳ thi vừa diễn ra, nhiều chuyên gia và giáo viên đã đánh giá đề thi tốt nghiệp THPT năm nay vừa sức, sát chương trình và có thể phân loại thí sinh.

– Có ý kiến cho rằng học sinh ở các vùng miền có sự chênh lệch về trình độ, hơn nữa việc đào tạo là do Sở đảm nhiệm thì việc kiểm tra đánh giá tốt nghiệp cũng nên giao cho các Sở để có thể đánh giá được đúng chất lượng học sinh từng nơi, ông suy nghĩ thế nào về điều này?.

– Hiện nay Bộ đang giao quyền cho Sở đấy chứ, Bộ chỉ ra đề, chỉ đạo bao quát, còn mọi công tác khác các địa phương đều tự lo. Việc mỗi nơi một đề thì hiện nay không thể thực hiện được, các em phải làm một đề thi mới đánh giá được mặt bằng chung, từ đó từng bước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

Để tránh tình trạng chênh lệch trình độ học vấn, Bộ cũng đã quy định rõ trong quy chế, học sinh những vùng sâu, vùng xa đều có điểm chuẩn đỗ thấp hơn so với học sinh vùng đồng bằng, thành phố. Đó là cách đảm bảo công bằng cho các em rồi.

– Trong đề thi tuyển sinh vào đại học vẫn có những câu hỏi dễ để học sinh trung bình vẫn có thể làm được 2, 3 điểm, tuy nhiên có những học sinh chỉ được 1 điểm, 0 điểm mặc dù trước đó đạt điểm rất cao trong kì thi tốt nghiệp và là môn các em ưu tiên ôn luyện. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

– Như tôi đã nói, đề thi rất vô cùng, không thể đánh giá khó hay dễ bởi học lực của từng học sinh khác nhau. Đề thi đại học có những câu ra cho học sinh trung bình có thể làm, nhưng trúng vào câu các em không học thì không thể làm được.

– Với tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở phần lớn các tỉnh đạt trên 90%, thậm chí gần 100%, có nên duy trì một kỳ thi cấp quốc gia, tốn kém tiền của khi chưa thi mọi người cũng biết rằng tỷ lệ trượt sẽ ít, thưa ông?

– Kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhằm mục đích đánh trượt các thí mà nhằm đánh giá mặt bằng giáo dục của các địa phương và sự phấn đấu của học sinh. Từ đó, Bộ sẽ có những điều chỉnh trong việc quản lý, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ dạy và học.

Kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức cấp quốc gia là một việc làm cần thiết, bởi không chỉ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông mà còn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình học tập của các em. Kỳ thi này cũng được quy định trong luật giáo dục rồi.

Hoàng Thùy (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)