Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ Giáo dục – Đào tạo tập huấn các phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung năm 2024

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các cơ sở đào tạo (CSĐT) đại học, cao đẳng, và SGiáo dục Đào tạo (GD-ĐT) có trụ sở  đóng trên địa bàn từ TP. Đà Nẵng trở vào đã tham dự Tập huấn các phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung năm 2024, do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ, từ ngày 9 đến 10-5-2024.


TS. Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD-ĐT phát biểu khai mạc HN

Phát biểu khai mạc Hội nghị (HN), TS. Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD-ĐT cho biết: Công  tác tuyển sinh năm 2024 về cơ bản giữ ổn định như những năm qua, nhưng tiếp tục cải thiện, đổi mới về mặt kỹ thuật tuyển sinh. Trên cơ sở quy chế tuyển sinh có những điều chỉnh dẫn đến các phần mềm sẽ có những điểm thay đổi. Tại hội nghị, các chuyên viên sẽ tập huấn cho các đại biểu chạy thử hệ thống phần mềm HEMIS  hỗ trợ tuyển sinh (TS)  chung năm 2024, nhằm mục đích thống nhất các điểm mới của quy chế tuyển sinh trên toàn hệ thống và hướng dẫn thực hiện cũng như thảo luận những vấn đề về chính sách, quy chế tuyển sinh cùng những vướng mắc về phần mềm TS năm 2024.


Quang cảnh HN tập huấn

Giáo sư, Tiến sĩ  Nguyễn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường ĐHYD Cần Thơ  bày tỏ niềm vui khi trường được chọn là một trong hai địa điểm trên toàn quốc đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, lãnh đạo các cơ sở đào tạo/Sở giáo dục đào tạo, dự tập huấn. Hiệu trưởng ĐHYD Cần Thơ cho rằng: Sự kiện này không chỉ là cơ hội để các CSĐT cùng chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin mới nhất về quy trình tuyển sinh, mà còn là dịp để tăng cường sự liên kết và giao lưu giữa các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, các sở GD-ĐT trên cả nước. TS đại học không chỉ là cánh cửa mở ra tương lai cho hàng ngàn sinh viên mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng này, Trường ĐHYD Cần Thơ mong được đóng góp phần nào cho công tác TS: “Thông qua HN, chúng ta sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng  những yêu cầu đặt ra; và là cơ hội để  chúng ta thể hiện sự cam kết và trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục. Với sự hợp tác và quyết tâm cao, tôi tin: Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi thách thức, đưa công tác TS đại học lên một tầm cao mới, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội và sự nghiệp GD” – Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên bày tỏ.


Giáo sư, Tiến sĩ  Nguyễn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường ĐHYD Cần Thơ tin tưởng HN sẽ góp phần  đưa công tác TS đại học lên một tầm cao mới, đáp ứng  yêu cầu ngày càng cao của xã hội và sự nghiệp GD

Tại HN, các đại biểu được nghe chuyên viên của Bộ GD-ĐT trình bày những điểm quan trọng của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng và một số lưu ý trong triển khai công tác TS năm 2024, với định hướng: Tăng cường truyền thông. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin  hỗ trợ công tác TS. Hoàn thiện quy trình. Rút ngắn thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh và xét tuyên đợt 1.  Đẩy mạnh kiểm định chất lượng Chương trình đào tạo.


TS. Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD-ĐT, và PGS.TS. Đặng Thị Oanh – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT chủ trì phiên thảo luận

Các CSĐT ban hành quy chế tuyển sinh (QCTS) của đơn vị để cụ thể hóa những quy định của QCTS cho các hình thức đào tạo, công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo đề án đã công bố, tuân thủ các quy định của QCTS và các quy định pháp luật hiện hành; thực hiện trách nhiệm giải trình với Bộ GD-ĐT, các cơ quan có thẩm quyền và xã hội về toàn bộ công tác tuyển sinh của CSĐT. Phải thực hiện tất cả các phương thức xét tuyển  mà CSĐT đã công bố trong đề án nếu thí sinh đủ điều kiện. Sau đó phân tích kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển, bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Rà soát, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả, mất công bằng…


Đại biểu trình bày kiến nghị

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu những hạn chế và kiến nghị  giải pháp tháo gỡ trong công tác tuyển sinh, như đề nghị hệ thống HEMIS cập nhật, bổ sung kịp thời các biến động dữ liệu của CSĐT. Vấn đề số lượng sinh viên cử tuyển đưa lên hệ thống phần mềm đã ảnh hưởng đến tổng chỉ tiêu TS chung của Trường. Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh chỉ tiêu giữa các ngành trong cùng Nhóm khi giao chỉ tiêu TS đối với ngành sư phạm; đặc biệt đại diện Sở GD-ĐT TP. Đà  Nẵng kiến nghị: Một số trường đại học khi tiếp nhận hồ sơ nhập học đã yêu cầu thí sinh phải về trường THPT bổ sung bảng điểm theo mẫu riêng của từng trường đại học, trong khi bảng điểm và giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh đã được nhập lên hệ thống…


Các đại biểu rà soát, chạy thử hệ thống, phần mềm Cơ sở dữ liệu HEMIS tại phòng máy tính ĐHYD Cần Thơ

Sau phiên thảo luận, tại phòng máy tính của Trường ĐHYD Cần Thơ, các đại biểu được tập huấn về phần mềm hỗ trợ TS chung; cập nhật các thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2024 vào hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đến từ Bộ GD – ĐT, Cục Công nghệ thông tin và chuyên gia tập đoàn Viettel.  Theo đó, các đại biểu đã  rà soát, chạy thử các hệ thống, phần mềm: Cơ sở dữ liệu HEMIS, chỉ tiêu và đề án, thông tin tuyển sinh, khai thác dữ liệu TS, xét tuyển, lọc ảo, các báo cáo…Các Sở GD-ĐT  chạy thử các chức năng trên Hệ thông cơ sở dữ liệu ngành (thông tin thí sinh, điểm học tập), Hệ thống xét TS chung: Cơ sở dữ liệu về ưu tiên, xác nhận kết quả học tập bậc THPT, tạo tài khoản cho thí sinh tự do đăng ký và đăng ký xét tuyển,  điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; khai thác dữ liệu về dân cư, các minh chứng đối tượng, khu vực ưu tiên…

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)