Chậm nhất năm 2015, toàn quốc bắt đầu dạy từ lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ năm 2010, ngành giáo dục dự kiến xóa bỏ biên chế, tuyển dụng toàn bộ giáo viên theo hợp đồng.
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo lần thứ 13 chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020. Ngành giáo dục sẽ thực hiện phổ cập giáo dục một năm cho trẻ 5 tuổi để chuẩn bị tốt trước khi vào lớp 1. Phấn đấu đến năm 2020, 100% số tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục 9 năm đúng độ tuổi và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương.
Phân luồng sau THCS và liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo để đến năm 2020 có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT vào các trường nghề, số sinh viên chiếm 40% dân số trong độ tuổi 18-24, thu hút 15.000 sinh viên nước ngoài đến học tập. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục thường xuyên để nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 trở lên là 98%.
Học sinh lớp 1 ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Học sinh phổ thông được phát triển toàn diện. Khả năng sử dụng ngoại ngữ của các em tương đương học sinh các nước phát triển trong khu vực. Bậc Tiểu học được học 2 buổi một ngày, được học tiếng Anh từ lớp 3… Còn học sinh trung học được trang bị kỹ năng sống, hiểu biết ban đầu về công nghệ và nghề phổ thông, học chương trình ngoại ngữ mới…
Năm 2020, trên 95% học sinh tốt nghiệp được các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được yêu cầu công việc. Còn sinh viên tốt nghiệp có kiến thức hiện đại, tư duy độc lập, thích ứng cao với biến động của thi trường…
Năm 2020 có ít nhất 5% tổng số sinh viên tốt nghiệp có trình độ ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học hàng đầu trong khối ASEAN, 80% được doanh nghiệp đánh giá đạt yêu cầu. Việt Nam phấn đấu lọt vào nhóm 50 nước đứng đầu về năng lực cạnh tranh nhân lực.
Năm 2008-2012 duy trì đầu tư cho giáo dục chiếm 20% trong tổng chi ngân sách Nhà nước và phấn đấu đạt 21% vào năm 2015. Trong đó, tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập, giáo dục ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa và hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên thiệt thòi, diện chính sách.
Ngoài ngân sách Nhà nước, nguồn lực cho giáo dục sẽ được huy động từ các tổ chức kinh tế xã hội, đơn vị sử dụng lao động cũng như từ người học và gia đình. Từ nay đến năm 2020, tất cả các cơ sở giáo dục đều được kiểm toán và công bố kết quả.
Để đạt được các mục tiêu trên, ngành giáo dục đề ra 11 giải pháp chiến lược. Đáng chú ý, sẽ thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế giảng viên, giáo viên nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu của thầy cô. Theo dự thảo đề án, năm 2009 sẽ thực hiện thí điểm xóa bỏ biên chế ở một số trường phổ thông và đại học để năm 2010, 100% thầy cô giáo được tuyển dụng theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng chỉ rõ, chậm nhất đến năm 2015, toàn quốc bắt đầu dạy từ lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tích hợp ở những lớp dưới, phân hóa mạnh ở những lớp trên. Dựa trên chương trình chuẩn quốc gia, xây dựng các chương trình giáo dục địa phương, và tổ chức biên soạn một số bộ sách giáo khoa…
11 giải pháp chiến lược cho giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020 |
– Đổi mới quản lý giáo dục – Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục – Tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân và mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục – Đổi mới chương trình và tài liệu – Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập, kiểm định và đánh giá cơ sở giáo dục – Xã hôi hóa giáo dục – Tăng cường đầu tư cở sở vật chất kỹ thuật – Gắn đào tạo với nhu cầu xã hội – Hỗ trợ giáo dục đối với các vùng miền và người học được ưu tiên – Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu – Xây dựng các cơ sở giáo dục tiên tiến |
Tiến Dũng (Theo VNE)
Bình luận (0)