Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu những ý kiến đóng góp chân tình, trách nhiệm”

Tạp Chí Giáo Dục

PV:Thưa Thứ trưởng, sau kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, hàng nghìn thí sinh đạt điểm không (0) môn thi Lịch sử khiến dư luận xã hội, nhất là thông tin trên báo chí không khỏi phiền lòng về thực trạng đó. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chúng tôi cho rằng, kết quả môn Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua không cao có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Chủ quan là do cách dạy, cách học, cách thi chưa thực sự có hiệu quả. Còn lý do khách quan là do tác động từ thực tiễn cuộc sống và bối cảnh xã hội trong những năm gần đây đã có nhiều biến đổi.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc, Bộ Giáo dục và Đào tạo không phủ nhận cách biên soạn chương trình và sách giáo khoa (SGK) Lịch sử còn có những chỗ chưa thật phù hợp, sát thực tế; phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá chưa thật sự hấp dẫn và khoa học, chưa cuốn hút học sinh. Nhưng thực tế cho thấy, những thay đổi trong cuộc sống hội xã đã tác động không nhỏ đến mục đích, động cơ, hứng thú của người học, người dạy, trong khi khả năng điều chỉnh, thích ứng của chương trình, SGK, phương pháp lại có mức độ nên đã hạn chế kết quả học tập môn học Lịch sử. Điều này đã được báo chí và nhiều nhà nghiên cứu phản ánh, lên tiếng. Một số sinh viên học chuyên ngành Lịch sử khi ra trường không dễ tìm việc làm hoặc có việc làm thì lương thấp, cuộc sống khó khăn…
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng môn học Lịch sử trước hết phản ánh trình độ, phương pháp dạy học. Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Theo tôi, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, công tâm hơn. Trong thực tế, đại đa số giáo viên bộ môn Lịch sử đều say sưa, tâm huyết với nghề, với học sinh; thường xuyên bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng thực hiện yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học ở từng bài, tăng cường việc sưu tầm và sử dụng các tư liệu ngoài SGK. Nhiều giáo viên đã sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học, biến giờ học lịch sử sinh động, hấp dẫn không chỉ trong các giờ hội giảng, mà cả trong các giờ dạy thường ngày trên lớp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong giảng dạy và học tập môn Lịch sử vẫn còn những hạn chế. Do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, do nhận thức lệch lạc của một số giáo viên, do tư tưởng thực dụng của một bộ phận học sinh là “học chỉ để thi”… nên chưa coi trọng môn Lịch sử. Trong khi đó, việc đổi mới phương pháp dạy học của một số giáo viên còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa thường xuyên sử dụng thiết bị dạy học để góp phần nâng cao chất lượng môn học này.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
PV: Trước thực trạng đó, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hành động gì để cải tiến, đổi mới cách dạy và học môn Lịch sử, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nhận thức được những khó khăn và thực trạng chất lượng dạy học môn Lịch sử, chúng tôi đã quan tâm đến một số giải pháp chỉ đạo cải tiến dạy và học môn Lịch sử.
Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức một số hội nghị chuyên ngành như: Hội nghị về hướng dẫn biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương tại Lâm Đồng; Hội thảo quản lý đổi mới phương pháp dạy học tại Nghệ An; Hội nghị kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học tại Cần Thơ… Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức – kỹ năng; Hướng dẫn quy trình biên soạn đề kiểm tra; hằng năm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên Lịch sử và tăng cường rà soát nội dung dạy học nhằm điều chỉnh các vấn đề bất hợp lý trong đó.
Mặt khác, Bộ thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học, việc thực hiện các nội dung chuyên môn của các môn học, trong đó có môn Lịch sử. Phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng có tác động rất tích cực về đổi mới phương pháp dạy học, gắn dạy học Lịch sử với giáo dục truyền thống ở các di tích lịch sử – văn hóa, di tích chiến tranh cách mạng…
PV: Để môn Lịch sử trở thành một môn học quan trọng trong việc góp phần bồi dưỡng, xây dựng và hoàn thiện phẩm chất nhân cách học sinh, theo Thứ trưởng, mỗi cấp, mỗi lực lượng trong ngành Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm, chú trọng đến những vấn đề căn cốt gì?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Xác định rõ trọng trách của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tăng cường chỉ đạo toàn ngành đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích các mô hình đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử, tạo ra một phong trào thi đua nâng cao chất lượng toàn diện dạy học môn học này trong hệ thống giáo dục toàn quốc.
Trước mắt, chúng tôi hướng dẫn thực hiện có hiệu quả việc điều chỉnh những bất hợp lý trong chương trình, SGK theo hướng tinh giản nội dung, dành nhiều cơ hội cho giáo viên được chủ động, sáng tạo trong quá trình dạy học. Bên cạnh đó, Bộ ráo riết chỉ đạo đổi mới việc kiểm tra, đánh giá môn Lịch cả trong kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ cũng như thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng: Giảm yêu cầu phải nhớ máy móc nhiều con số, sự kiện; khuyến khích các suy nghĩ độc lập có liên quan đến đánh giá các sự kiện, các bài học lịch sử, qua đó rèn luyện năng lực tư duy, bồi dưỡng niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước và năng lực giải quyết các vấn đề của cuộc sống cho học sinh.
Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông, chúng tôi yêu cầu cần thực hiện thật tốt những chỉ đạo của Bộ về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học; tranh thủ tận dụng các cơ hội, điều kiện để tổ chức giáo dục truyền thống bằng các hoạt động ngoại khóa, các lớp học ở bảo tàng, di tích, qua các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng và nhân rộng các mô hình về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời những giáo viên giỏi, học sinh giỏi đi đôi với việc giúp đỡ, phụ đạo các học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức có hiệu quả việc ôn tập để học sinh nắm vững nội dung kiến thức và phương pháp học tập, làm bài…
Cùng với những giải pháp cấp bách đó, về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu và tiến hành đổi mới chương trình, SGK, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng bồi dưỡng năng lực và thái độ, tình cảm mà học sinh đạt được sau khi học tập; tăng cường các điều kiện dạy học, phối hợp xây dựng môi trường xã hội thuận lợi cho việc dạy học. Hiện nay, Hội đồng bộ môn Lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực tư vấn cho lãnh đạo Bộ đề ra những giải pháp căn cơ nhất để thực sự làm chuyển biến chất lượng dạy học môn học này.
Nhân đây, qua Báo Quân đội nhân dân, tôi muốn tâm sự với bạn đọc một điều: Giáo dục lịch sử nói chung, dạy và học môn Lịch sử ở nhà trường nói riêng, là vấn đề lớn của đất nước, dân tộc và là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể quần chúng và toàn xã hội. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp chân tình, trách nhiệm của mọi người dân trong việc thúc đẩy, góp phần nâng cao chất lượng môn học Lịch sử.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo NGUYỄN VĂN HẢI
(QĐND)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)