Đi xe buýt góp phần giảm chi tiêu cho Nhà nước và cá nhân
|
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong năm 2011, Thanh tra Bộ GTVT sẽ thực hiện thanh tra một số lĩnh vực. Trong đó, có công tác quản lý và thực hiện đầu tư các dự án, thanh kiểm tra các lĩnh vực quản lý chuyên ngành và quản lý hành chính của Bộ. Đặc biệt, chú trọng thanh, kiểm tra chặt chẽ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thanh tra nhiều lĩnh vực
Công tác thanh, kiểm tra trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015 của Bộ tập trung vào các vấn đề như thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các công trình dự án, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; quản lý, bảo trì hạ tầng giao thông. Năm 2011, Bộ GTVT có kế hoạch thanh tra: công tác quản lý và thực hiện đầu tư các dự án, quản lý chuyên ngành và quản lý hành chính của Bộ. Trong đó, chú trọng thanh tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát. Hiện có khá nhiều dự án nằm trong kế hoạch thanh tra này như dự án Bắc Nam Buôn Mê Thuột của Ban quản lý dự án Hồ Chí Minh, dự án cải tạo nâng cấp 31 cầu trên quốc lộ 1 của Ban quản lý dự án 2… Song song đó, Bộ cũng tăng cường kiểm tra quản lý vốn và tài sản, cổ phần hóa tại một số tổng công ty trong đó có Tổng công ty Vận tải thủy. Việc thanh tra tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý, bảo trì hạ tầng giao thông cũng được đưa vào kế hoạch năm 2011 với các đối tượng như Tổng cục Đường bộ, Khu quản lý đường bộ, các địa phương… Việc thanh, kiểm tra hợp lý không những giúp ngăn chặn kịp thời vi phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, mà còn góp phần phát hiện sơ hở, chồng chéo của các văn bản pháp luật.
Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 và giai đoạn 2011 – 2015 do Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng ký ban hành từ đầu tháng 4, có nhiều nội dung cần được các đơn vị sớm triển khai cụ thể để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực của ngành. Trong năm 2011, thực hiện Nghị quyết 11 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, các đơn vị phải thực hiện ngay một số biện pháp hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tập trung vào các nhóm giải pháp như rà soát dự án, không triển khai dự án mới sử dụng vốn ngân sách, trái phiếu trừ dự án cấp bách được phê duyệt. Tiết giảm chi phí thường xuyên; tăng cường quản lý giám sát doanh nghiệp. Đặc biệt, để tăng cường giám sát, Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải công khai các định mức tiêu chuẩn chế độ đã ban hành; việc sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính được giao; mua sắm quản lý sử dụng tài sản công; quy hoạch, kế hoạch dự án đầu tư…
Tránh thất thoát – lãng phí tài sản của Nhà nước
Một trong những yêu cầu quan trọng của chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là các đơn vị phải rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã lạc hậu để báo cáo sửa đổi. Qua đó, tổng rà soát các định mức kinh tế, kỹ thuật, tiêu chuẩn, chế độ, quy trình công nghệ chuyên ngành có liên quan tới bảy lĩnh vực quy định trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để kiến nghị sửa đổi. Với các đơn vị, việc thực hiện đúng đơn giá, quy trình kỹ thuật là hết sức quan trọng nhằm tránh thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Đây cũng là một trong những nội dung được thanh, kiểm tra chặt chẽ trong năm nay. Bộ chỉ đạo các đơn vị không báo cáo chung chung mà phải đưa ra chỉ tiêu cụ thể, sửa đổi văn bản nào, định mức nào, tiết giảm được bao nhiêu chi phí. Định kỳ hàng quý, hàng năm, các đơn vị phải báo cáo tình hình thực hiện về Bộ thông qua Vụ Tài chính. Riêng trong năm nay, các đơn vị phải tập trung thực hiện một số giải pháp tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp; quản lý sử dụng đất đai, trụ sở làm việc; quản lý vốn đầu tư xây dựng đảm bảo hiệu quả đầu tư, chống lãng phí; quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động hợp lý; quản lý sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Trong đó, lưu ý việc thực hiện phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước đến từng đơn vị đúng thời hạn; các cơ quan hành chính thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; kết hợp các nội dung hội nghị, tổng kết, kỷ niệm… Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm bố trí vốn để hoàn thành dự án đúng quy định, trả nợ khối lượng đã hoàn thành, tăng cường công tác thanh, kiểm tra giám sát đầu tư…
Bài, ảnh: N.H
Bình luận (0)