Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố sẽ bỏ việc ấn định thời hạn đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô từ giấy bìa sang GPLX mới vật liệu PET trước ngày 31-12-2016. Nghĩa là GPLX ô tô và máy kéo bằng giấy bìa sẽ vẫn được sử dụng cho đến khi bằng lái hết hạn. Quyết định mới này khiến người dân phấn khởi và cho rằng đây là việc làm hợp lý, hợp tình.
Quyết định mới này khiến các tài xế, người dân phấn khởi và cho rằng đây là việc làm hợp lý, hợp tình |
Quyết định hợp lý
Trước đó, tại điều 57 của Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 20-10-2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định, GPLX bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET. Theo đó, việc chuyển đổi được thực hiện theo lộ trình sau: GPLX ô tô và GPLX hạng A4: trước ngày 31-12-2016; GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3): trước ngày 31-12-2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi quy định tại khoản 1, khoản 2 của điều 57 này, người có GPLX bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX mới. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017.
Tuy nhiên, Cục Kiểm tra quy phạm văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhận thấy điều chưa phù hợp ở việc ấn định thời hạn cho việc chuyển đổi GPLX sang thẻ PET đối với GPLX ô tô và hạng A4 trước ngày 31-12-2016, nên đã yêu cầu hủy bỏ quy định này. Theo đó, Bộ GTVT sẽ bỏ quy định: “Sau 6 tháng, kể từ ngày 31-12-2016, người có GPLX ô tô bằng giấy bìa nếu không đổi sang vật liệu PET sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX (như Thông tư số 58/2015 đã quy định). Với quy định mới này, người dân vẫn được sử dụng GPLX ô tô và hạng A4 cho đến khi hết hạn mới phải đổi thẻ mới. Riêng GPLX mô tô các loại vẫn được giữ lộ trình đổi với hạn cuối là 31-12-2020.
Phấn khởi trước quy định này, anh Nguyễn Văn Hùng, tài xế xe khách tuyến TP.HCM – Đà Lạt cho biết, anh cùng hơn 20 đồng nghiệp của mình hiện đang làm việc cho nhà xe Mỹ Hiền rất vui mừng khi biết được thông tin trên qua các phương tiện báo đài. Vì thời điểm cuối năm bận rộn, mỗi người mỗi quê nên chưa có ai kịp thực hiện việc chuyển đổi GPLX giấy bìa sang vật liệu PET. Anh cho rằng “quy định bỏ việc ấn định thời hạn phải đổi GPLX trước ngày 31-12-2016 là việc làm hợp lý và kịp thời. Vì nước ta có biết bao nhiêu tài xế như tài xế xe khách, xe taxi, xe tư nhân thì làm sao chuyển đổi cho kịp, sẽ dẫn đến quá tải. Hơn nữa, quy định này còn giúp cho người dân tránh được tiêu cực, tránh tình trạng phải làm giấy qua các “cò” trong trường hợp vì đặc thù công việc không có thời gian chờ đợi thực hiện việc chuyển đổi theo quy định”.
Cùng chung quan điểm với Cục trưởng Đồng Ngọc Ba, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) khẳng định, về nguyên tắc, người dân vẫn được sử dụng GPLX còn thời hạn hoặc vô thời hạn một cách hợp pháp, mà không bị lực lượng CSGT xử phạt. |
Nhanh nhạy hơn nhiều người khác, anh Trương Vĩnh Tuyên (ngụ 75 Cửu Long, phường 15, quận 10) đã đổi GPLX giấy bìa sang GPLX mới vật liệu PET “2 trong 1”. Nghĩa là cùng 1 GPLX thẻ PET, nhưng có giá trị sử dụng cho cả GPLX hạng A1 (xe máy) và hạng C (xe ô tô). Anh Tuyên cho biết, loại GPLX vật liệu PET rất tiện dụng, vì nhỏ gọn như thẻ ngân hàng, chất liệu bền, cho vào ví da rất gọn, và quan trọng nữa là có thể gộp chung GPLX hạng A1 và C vào chung 1 thẻ. Khẳng định nhiều lợi ích của GPLX vật liệu PET, nhưng anh Tuyên cũng đồng tình với quy định bỏ thời hạn ấn định chuyển đổi GPLX sang vật liệu mới vào cuối tháng 12 năm nay. Vì thực tế có rất nhiều người do đặc thù công việc, nên khó có thể thực hiện việc chuyển đổi theo đúng thời hạn quy định. Trong trường hợp phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX, thì lại càng rắc rối cho người dân hơn nữa vì vừa phải tốn thời gian, vừa tốn kém về các chi chí liên quan khác.
Vì quyền lợi của người dân
Theo nhận định của ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), GPLX không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng bằng giấy bìa, bị buộc phải chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET là không có cơ sở pháp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí và không phù hợp với pháp luật hiện hành.
Ông Ba khẳng định, GPLX là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, để được phép điều khiển một hoặc một số loại xe cơ giới theo quy định. Nên trong thời gian có giá trị sử dụng của GPLX (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng), thì quyền sở hữu và quyền sử dụng giấy phép của người được cấp phải được pháp luật bảo đảm.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Tài chính, mức lệ phí cấp GPLX cơ giới theo công nghệ mới (bao gồm cả cấp mới và cấp lại) là 135.000 đồng/lần. Chi phí này ít nhiều sẽ tác động đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân. Do đó, ông Ba cho rằng, việc chuyển đổi các GPLX không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng sang GPLX bằng vật liệu mới cần được xem là quyền của người dân và nên được thực hiện khi người dân có nhu cầu.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)