Sáng 7-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và cho ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là cơ bản và toàn diện. Dự thảo Bộ luật có tổng số 441 điều (tăng 87 điều so với BLHS hiện hành), giữ nguyên 8 điều, bổ sung mới 63 điều, sửa đổi 370 điều (trong đó có 60 điều được tách ra từ 24 điều của BLHS hiện hành, 76 điều sửa về kỹ thuật) và bãi bỏ 8 điều của BLHS hiện hành.
Bỏ 2 tội danh, thêm 6 tội danh trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
Nhấn mạnh những điểm mới quan trọng trong dự thảo, ông Hà Hùng Cường cho biết, nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng. Đơn cử là việc phi tội phạm hóa đối với 2 tội danh trong chương này. Đó là các tội: kinh doanh trái phép và tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (các điều 159 và 167 của BLHS hiện hành). Đồng thời, cụ thể hóa và bổ sung thêm các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể để thay thế cho tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngược lại, có 8 loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực kinh tế được quy định là tội phạm (tội phạm hóa), bao gồm vi phạm quy định về sử dụng điện; làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm; gian lận bảo hiểm xã hội; gian lận bảo hiểm y tế; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Đặc biệt, dự thảo Bộ luật đã bổ sung 1 tội danh liên quan đến vấn đề cạnh tranh nhằm trừng trị những hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về cạnh tranh, bảo đảm sự bình đẳng, lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm cho kinh tế thị trường phát triển ổn định.
“Dự thảo cũng đã quy định theo hướng tăng phạt tiền với tính cách là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.
Ông cũng báo cáo với UBTVQH về một sửa đổi căn bản khác, đó là quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 6 tội thuộc chương này. Đó là các tội: buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Xử lý hình sự tội vi phạm an toàn vận hành công trình thủy lợi
Với nhóm các tội phạm về môi trường, dự thảo đã cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại. Có 2 loại hành vi được hình sự hóa, gồm vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa, liên hồ chứa, đê điều và công trình phòng, chống thiên tai vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông, các công trình về tài nguyên nước.
Tương tự nhóm tội phạm về quản lý kinh tế, mức phạt tiền (cả phạt chính và phạt bổ sung) đối với các tội phạm về môi trường cũng được tăng nặng. Đồng thời, tăng nặng hình phạt đối với tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 5 tội thuộc chương này. Đó là các tội: gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại; đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; hủy hoại nguồn lợi thuỷ sản; huỷ hoại rừng.
Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, dự thảo BLHS sửa đổi đã hướng đến việc bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Theo đó những nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng hình phạt theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù. Mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm ít nghiêm trọng; mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với tội rất nghiêm trọng do vô ý (theo quy định hiện hành chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng), không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý…
Bên cạnh đó, dự thảo còn sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình theo hướng tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình; quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình.
Trên tinh thần đó, dự thảo Bộ luật bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh. Đó là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, đó là người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử…
Tại phiên họp, đại diện cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã thống nhất đề nghị Quốc hội cho lấy ý kiến nhân dân về nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS.
ANH PHƯƠNG
(SGGP)
Bình luận (0)