Dự thảo thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh hiện Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi. Trong khi dư luận xã hội có những ý kiến trái chiều trước dự thảo thông tư trên, trong đó có việc bãi bỏ hình thức kỷ luật mức cao nhất là đuổi học với học sinh, thì chính học sinh (đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của hình thức kỷ luật này) và phụ huynh lại có những ý kiến đáng được quan tâm, cân nhắc.

Học sinh kiến nghị giữ hình phạt đuổi học nhưng rút ngắn thời gian
Khảo sát đối tượng học sinh THPT, 2 lớp với khoảng 100 em, tôi thấy có hơn một nửa số ý kiến cho rằng không nên bỏ hình thức đình chỉ học khi học sinh vi phạm lỗi nặng. Đề xuất của hầu hết học sinh là vẫn duy trì hình thức này nhưng ở mức thời gian ngắn hơn, chứ không nên đình chỉ quá nhiều ngày. Chỉ số ít, khoảng 20% số lượng khảo sát, cho rằng nên bỏ hình thức đuổi học, vì lý do nhân văn. Em Trương Mẫn Nghi (học sinh lớp 11) viết: “Em nghĩ không nên bỏ hình thức kỷ luật đuổi học này mà vẫn giữ lại nó nhưng chỉ ở mức độ thời gian ngắn hơn, một hoặc vài tuần. Vì nếu sau nhiều lần răn đe nhưng học sinh không thay đổi, thì điều đó sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ cho bản thân học sinh ấy mà cho các bạn khác, cho lớp, cho trường…”.
Dự thảo hình thức kỷ luật mức cao nhất là viết kiểm điểm không được học sinh nào ủng hộ. Em Lê Bùi Thảo My (lớp trưởng kiêm bí thư chi đoàn lớp) nêu quan điểm: “Theo em, không nên để viết kiểm điểm là mức kỷ luật cao nhất vì như thế học sinh dễ bị “chai lì”, không đủ sức răn đe”. “Không nên dùng hình thức đình chỉ học tập học sinh vì mọi học sinh có quyền được học, được tiếp xúc với tri thức, với văn hóa. Nhưng nếu mọi nỗ lực của nhà trường vẫn không có kết quả, theo em, nhà trường vẫn nên dùng đến giải pháp cuối cùng này”, Thảo My viết thêm.
Vì quyền lợi học tập của bản thân mình nên mọi học sinh đều mong muốn có môi trường học tập lành mạnh. Song cũng vì thương bạn bè, đồng cảm với quyền được học của bạn, sợ bạn sa ngã nhiều hơn khi bị đình chỉ học tập. Vì vậy mà hầu hết học sinh đều mong muốn nhà trường, ngành giáo dục có giải pháp hợp lý: không quá nhẹ nhàng nhưng không nên quá cứng nhắc, khắc nghiệt; đủ mạnh để răn đe và cần hài hòa giữa quyền lợi của cá nhân học sinh vi phạm và quyền lợi của tập thể học sinh khác trong lớp, trong trường; mong muốn nhà trường cho học sinh sai lầm có cơ hội sửa sai nhưng không quá dễ dãi, lờn thuốc…
Dưới góc nhìn của học sinh, các giải pháp mà các em kiến nghị là tăng cường vai trò của tư vấn tâm lý, phát huy vai trò của mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, bố trí cho học sinh lao động công ích, thậm chí đưa học sinh cá biệt ấy vào các môi trường có tính kỷ luật cao để được giáo dưỡng…
Phụ huynh lo lắng khi nhà trường sử dụng hình phạt chưa đủ sức răn đe
Trao đổi với phụ huynh là trưởng và phó ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp người viết bài này chủ nhiệm trong buổi liên hoan lớp cuối năm vừa qua, thấy phụ huynh bày tỏ nhiều lo lắng. Nhất là việc nhà trường sử dụng hình phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức để ngăn ngừa, răn đe. Bà Trần Vân Hà (Phó ban đại diện cha mẹ học sinh lớp) nêu lo lắng: “Tôi thấy dự thảo bỏ hình thức đuổi học với học sinh mà Bộ GD-ĐT đưa ra là có phần hợp lý và nhân văn. Tuy nhiên, cũng phải tính đến răn đe và hiệu quả lâu dài. Nhiều học sinh sẽ chai lì, ỷ lại vào tính nhân đạo của hình thức kỷ luật nhẹ tay này mà không chịu sửa đổi. Lúc ấy sẽ gây khó khăn cho nhà trường trong việc sử dụng hình thức kỷ luật. Quyền lợi được học trong một môi trường trong sáng, lành mạnh của học sinh bị xâm hại, thiệt thòi cho những học sinh chăm ngoan…”.
Dưới góc nhìn của học sinh, các giải pháp mà các em kiến nghị là tăng cường vai trò của tư vấn tâm lý, phát huy vai trò của mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, bố trí cho học sinh lao động công ích, thậm chí đưa học sinh cá biệt ấy vào các môi trường có tính kỷ luật cao để được giáo dưỡng… |
Trước tình huống khó khăn này, bà Vân Hà đề xuất là nhà trường phải mềm dẻo, linh hoạt trong cách ứng xử. Bộ GD-ĐT nên trao quyền cho các trường được xử lý mức cao nhất (đuổi học) đối với những trường hợp quá đặc biệt. Đứng ở góc độ trách nhiệm gia đình, bà Vân Hà cũng kêu gọi cha mẹ học sinh cần hợp tác với nhà trường trong việc giáo dục con cái. “Phải biết nhận trách nhiệm, nhận cái sai và thiếu sót về mình để hợp tác với nhà trường. Trong trường hợp xấu nhất, nếu bị đình chỉ học tập, thì phụ huynh cũng nên chấp nhận và tìm cách tốt nhất để giáo dục con em, sớm đưa con em trở lại trường”, bà Vân Hà nêu quan điểm.
Theo dõi ý kiến của dư luận trên các trang mạng, báo chí, có thể thấy hầu hết các ý kiến đều muốn giữ lại hình thức kỷ luật cao nhất là đình chỉ học tập. Theo mọi người, như thế mới đủ sức răn đe, mới không để một số phần tử học sinh cá biệt “làm loạn” trường, lớp. Vì thực tế có nhiều đối tượng học sinh không thể giáo dục được trong môi trường phổ thông. Một bạn đọc viết: “Bạo lực học đường (về thể xác và tinh thần) đã trở thành vấn nạn; học sinh hút thuốc lá điện tử tràn lan, lâu lâu còn có sự việc phụ huynh và học sinh “nện” luôn cả giáo viên… Đó là lúc còn hình thức kỷ luật đuổi học mà còn như thế. Dự thảo bỏ luôn hình thức đó thì dự đoán nạn bạo lực học đường tràn lan và không thể kiểm soát, nội quy nhà trường chỉ còn là tờ giấy lộn vì đơn giản học sinh đang tuổi nổi loạn còn gì để sợ, viết 100 bản tự kiểm điểm cũng thế thôi. Đừng ảo tưởng và hy vọng vào các biện pháp tuyên truyền, giáo dục của nhà trường bởi tính hiệu quả không cao vì thiếu sự đồng hành của gia đình, của phụ huynh. Đa phần thủ phạm của bạo lực học đường, đa phần học sinh bị coi là “cá biệt” đều xuất thân từ gia đình và phụ huynh không có sự quan tâm, uốn nắn, giáo dục con cái đúng cách và kịp thời”. Trong tình huống này, giải pháp mà họ đề xuất là nên đưa học sinh “bất trị” vào môi trường giáo dưỡng đặc biệt, chuyên biệt. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần nghĩ đến loại hình giáo dục đặc biệt này. Mục đích là giúp trẻ có được sự giáo dục, không phải ra đời quá sớm, thất học, mất đạo đức, vi phạm pháp luật, trở thành gánh nặng cho xã hội về sau.
Được biết, Dự thảo thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh hiện Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến từ ngày 6-5 đến ngày 6-7-2025. Trong đó điều 13 của dự thảo nêu ra các biện pháp kỷ luật học sinh khiến dư luận có ý kiến trái chiều, khi nêu 3 biện pháp kỷ luật học sinh bậc THCS, THPT, trung tâm GDTX gồm: mức 1 là nhắc nhở, mức 2 là phê bình và mức 3 là yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)