Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bỏ học sớm, sẽ khó thành công

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh bậc THCS, thậm chí là cuối bậc tiểu học bỏ học đi làm thêm, hoặc nghỉ học để tự thân lập nghiệp, trong khi các em còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, cũng như chưa đủ khả năng tự lập. Điều này làm xã hội thật sự lo lắng, nhất là các bậc phụ huynh và đội ngũ thầy cô giáo. Vậy lỗi này do đâu? Có rất nhiều nguyên nhân từ phía gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, một vấn đề mà tôi muốn phân tích, đề cập giúp các em tránh bị lôi kéo, dụ dỗ. Chúng ta biết rằng, học sinh THCS là lứa tuổi vị thành niên, đây là độ tuổi đang hoàn thiện dần về mặt sinh học, đang rất thiếu kinh nghiệm sống, thiếu những hiểu biết xã hội cơ bản, dễ bị lôi kéo trước sự cám dỗ của vật chất cũng như dễ bị người khác dụ dỗ, mua chuộc. Các em chưa nhận thức được mục tiêu, đường hướng của cuộc đời, các em cũng có nhiều sự lựa chọn giá trị nhưng cũng rất cảm tính và phiến diện. Đặc biệt, nếu không có sự định hướng kịp thời của gia đình, của nhà trường thì các em có thể tùy tiện để lựa chọn con đường của mình. Vì thế mà không ít em đã vấp ngã, thất bại khi mới chập chững bước vào đời. Độ tuổi này, nếu các em có sự hấp dẫn bởi vật chất hay hình mẫu nào đó thì có thể sẵn sàng bỏ học để theo đuổi, chẳng hạn: các em chấp nhận lời dụ dỗ của người lớn, sẵn sàng tiếp nhận và theo đuổi sự lôi kéo nếu như mình cảm thấy tin tưởng. Bên cạnh đó, các em sẽ dễ rơi vào trạng thái bất cần, chán đời… nếu như việc theo đuổi mục tiêu bị thất bại (chẳng hạn coi việc thất nghiệp của các anh chị là bài học nên cũng không nhất thiết phải học hành đến nơi, đến chốn). Do đó, muốn khắc phục hiện tượng này, trách nhiệm chính là phải huy động được các lực lượng cùng tham gia: Gia đình phải phối hợp cùng nhà trường và địa phương để kịp thời giáo dục, phân tích, uốn nắn, điều chỉnh nhận thức; đồng thời vạch rõ tương lai cho các em nếu như các em coi trọng việc học hành trong thời điểm này. Phải giúp các em vững tin vào con đường học tập, ít nhất là tốt nghiệp THPT mới có đủ những kiến thức cơ bản, làm cơ sở cho sự lựa chọn đi theo con đường nào trong tương lai. Bên cạnh đó, phải phát động phong trào thi đua học tập trong toàn trường, coi trọng công tác tư vấn trường học của chính giáo viên chủ nhiệm. Muốn trưởng thành, ít nhất các em phải có đủ kiến thức cơ bản, thiết thực, vững chắc mới có cơ hội để trưởng thành sau này.

Lê Lan

Bình luận (0)