Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bỏ học tiến sĩ làm bà chủ… mắm ruốc

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. Đào Thị Hằng bỏ ngang giấc mơ tiến sĩ về quê làm bà chủ mắm ruốc thuyền nan
“Bây giờ hầu hết những người đang gìn giữ nghề truyền thống là người già. Nếu những người trẻ không có lòng đam mê và tinh thần tự hào thì chỉ cần vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ mất đi rất nhiều di sản quý báu…”.
Đó là tâm tư của chị Đào Thị Hằng (28 tuổi) – cựu sinh viên ngành tăng trưởng xanh – vừa bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, đã bỏ ngang con đường nghiên cứu sinh trở về quê làm bà chủ cơ sở sản xuất mắm ruốc thuyền nan tại thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Nhọc nhằn một chiếc thuyền nan
Chuyện chuyển hướng nghề nghiệp của chị Hằng khiến không ít người đặt câu hỏi. Cũng chính sự tò mò ấy đã đưa chúng tôi tìm gặp chị.
Chị Hằng đón chúng tôi bằng nụ cười hào sảng đầy thân thiện. Chị sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có đến 7 mặt con. Mang tiếng là nông dân nhưng ba mẹ không có lấy một cục đất chọi chim. Cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào nghề chài lưới với chiếc thuyền nan lênh đênh trên sông Thạch Hãn từ mùa này sang mùa khác. “Ngày đó nhà tôi nghèo lắm, nghèo đến nỗi không có bạn bè nào đến chơi. Thậm chí đi học các bạn có xe đạp còn tôi lủi thủi đi bộ. Nhà lại không có đồng hồ, cứ gà gáy canh 3 là mẹ gọi mấy đứa con dậy lục đục chuẩn bị đến trường. Có khi đến trường chợt nhớ quên sách về lấy rồi quay lại mà trời vẫn chưa sáng. Lên cấp 2, cấp 3 thì đoạn đường xa hơn nhiều, đến 6 cây số mà vẫn phải cuốc bộ. Còn chuyện tới lớp mùa đông thì thảm lắm, suốt ngày mặc quần áo ướt, vá chằng chịt”, chị Hằng nhớ lại. Để phụ ba mẹ kiếm sống, mỗi ngày sau giờ học, chị lại ngụp lặn cùng mảnh lưới trên mặt nước lạnh ngắt. Có khi thay mẹ chạy xóm dưới, làng trên bán mớ cá chiều vừa lưới được. Những bữa bưng rổ cá nặng trịch đội nắng cả ngày, không ai mua, cá ươn đỏ loét lên, chị nhìn rổ cá xót cho công sức ba mẹ rồi tự nhủ: “Tương lai của mi không phải ở đây Hằng ạ”. Thế là tối đó chị trắng đêm bên tập sách vở.
Chị Hằng kể, cuộc đời của chị có nhiều bước ngoặt bất ngờ lắm. “Năm thứ nhất thi trượt ĐH, tôi xin đi làm lò gạch vì không còn cách nào khác, dòng sông lúc bấy giờ cạn cá, chiếc thuyền nan nằm trơ giữa nắng mưa, ba mẹ quay sang làm thuê làm mướn. Cứ nghĩ, với công việc này rồi mai mốt mình sẽ kiếm một tấm chồng cũng làm nghề lao động chân tay, sinh con đẻ cái và ước mơ cổng trường vĩnh viễn khép lại. Mỗi lúc ôm trước bụng một chồng gạch đến 8 viên, nước mắt ứa ra, nghĩ mà xót thân nhưng cũng dần chấp nhận. Làm được dăm bữa, hôm nào về cũng lấm lem bùn đất, vất vả mà đồng tiền thu lại chẳng được bao nhiêu. Nhìn lại 6 đứa em cặm cụi học bài, tôi chợt nghĩ là con cả thì phải làm gương. Cực mấy cũng làm gương cho các em noi theo. Thế là lần thứ hai trong đầu câu nói: “Tương lai của mi không phải ở đây Hằng ạ!” lại vang lên thôi thúc. Tôi bỏ lò gạch, thi vào Trường ĐH Nông lâm Huế. Năm ấy tôi đỗ thủ khoa…”.
Chị Hằng cho biết, ít ra việc chị thi đỗ cũng là niềm an ủi cho cha mẹ. Và từ đó, chính chị làm chiếc thuyền nan vừa tìm hướng đi cho mình vừa định hướng cho các em noi theo.
Bà chủ mắm ruốc tuổi 28
“Nếu một người đàn ông có tiền chưa chắc đã đầu tư cho con cái ăn học, nhưng một người phụ nữ có tiền chắc chắn sẽ cho con cái ăn học đàng hoàng”, chị Đào Thị Hằng nói.
Tốt nghiệp ĐH, chị bươn bả vừa làm thêm vừa học chứng chỉ Anh văn để truy tìm học bổng. Chưa đầy năm sau, chị đã chứng minh được khả năng của mình trên con đường nghiên cứu khoa học và được nhận học bổng du học ở Úc. Một suất học bổng tiến sĩ ở nước này đang chờ ngày chị tốt nghiệp cao học thì bỗng dưng chị quyết định bỏ ngang. “Trước khi về tôi cũng đắn đo lắm. Để đợi đến ngày trở về là cả chuỗi nhiều đêm thức trắng. Nhưng rồi tôi nghĩ không nói đâu xa, mình giữ gìn được nghề truyền thống đang mai một đã là một cách làm khoa học hiệu quả nhất rồi”.
Ngày trở về, chị lặn lội về tận làng quê nội ở Thạch Hà (Hà Tĩnh), một miền quê nổi tiếng với nghề làm mắm. Tiếp đó chị đi dọc dải đất miền Trung, qua những làng chài, gặp những cụ già cao tuổi mày mò học hỏi. Thấy con vất vả ba mẹ cật lực phản đối: “Nếu chỉ làm mắm ruốc thì học lên cao làm gì?”. Chị trấn an ba mẹ: “Việt Nam là nước nông nghiệp, mình phải làm giàu bền vững trên chính những nghề truyền thống của mình”. Còn hàng xóm không ít người xì xào: “Chắc nó qua Úc ham chơi quên học nên chừ về đi buôn mắm ruốc”. Chị im lặng, bao nhiêu rào cản dựng ra trước mắt chị đều tìm cách giải quyết êm xuôi. Chị Hằng khoe: “Bây giờ ba mẹ có vẻ thuận hơn rồi, không còn phản đối nữa. Tôi cũng vừa xin được giấy phép mở cơ sở sản xuất mắm ruốc đặt tên là Mắm thuyền nan. Dù mới bắt đầu được mấy tháng nhưng các bạn hàng từ Lai Châu đến Cà Mau đều đặt hàng qua mạng. Bây giờ tôi đủ khả năng cho các em ăn học tiếp và hỗ trợ phần nào cho những trẻ em nghèo”. Tiêu chí sản xuất của chị là “Hãy để mắm nguyên chất của mắm”. Ban đầu chị khăn gói về ở hẳn các miệt biển để học cách làm mắm. “Bây giờ tôi đã có một vốn kinh nghiệm hòm hòm về các loại mắm rồi. Tôi đang làm mắm rò, nước mắm, mắm dưa và ruốc”, chị Hằng cười tươi, chia sẻ.
Đường chữ là đường sáng
Ai cũng bảo chị bỏ ngang đường học vấn đang mở rộng trước mắt là hâm. Nhưng chị bảo, hiệu quả của nhiều năm miệt mài nghiên cứu khoa học chính là việc mình bắt tay vào thực hiện dự án tạo thương hiệu mắm ruốc không nằm ngoài kế mưu sinh. Thế nhưng, đằng sau nó là cả một nghị lực không mấy ai có được. Tuổi thơ gắn bó với từng bữa cơm chan nước mắm mặn quắt nơi đầu lưỡi sau những buổi học bụng đói cồn cào. Dù đi tận chân trời nào, kí ức ấy vẫn hiện rõ mồn một và trở thành niềm trăn trở. Cơ duyên làm thay đổi suy nghĩ của chị xuất phát từ khóa học ngắn ngủi 2 tuần tại Nhật Bản và những ngày làm cho dự án phát triển Hòa Lan tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị) để giúp bà con tạo dựng sinh kế, thoát nghèo và bảo vệ môi trường sống chống biến đổi khí hậu. Chị Hằng tâm sự: “Ở miệt biển quê mình cuộc sống còn nghèo khổ lắm. Khổ nhất là những phụ nữ đơn thân. Chiều chiều thấy các mẹ các dì ngóng mắt ra phía biển khơi, giọt nước mắt chưa kịp chảy đã khô lại vì nắng, gió mà đau đến thắt lòng. Một hôm tôi gặp người đàn bà tên Rỏ. Cô Rỏ có hai đứa con, một đứa bị tâm thần còn một đứa đang đi học. Gánh nặng cả gia đình dồn lên đôi quang gánh bán nước mắm của cô. Tôi chợt nghĩ, ở đâu đó người ta giàu sang bằng các thương hiệu nước mắm nhưng ít ai biết rằng, chính những người như cô Rỏ mới là nghệ nhân gìn giữ và tạo nên tên tuổi nước mắm sạch. Tôi chọn nghề mắm ruốc một phần xuất phát từ ý nghĩ phải làm gì đó giúp những người phụ nữ đơn thân như cô Rỏ bớt cực nhọc…
Tôi nghĩ, nếu một người đàn ông có tiền chưa chắc đã đầu tư cho con cái ăn học, nhưng một người phụ nữ có tiền chắc chắn sẽ cho con cái ăn học đàng hoàng. Sau này có điều kiện tôi sẽ bán mắm quyên góp quỹ hỗ trợ học sinh tới trường”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
28 tuổi, chị Đào Thị Hằng từ chiếc thuyền nát của ba mẹ bước ra chân trời mới tiếp cận nền tảng khoa học rồi lại vững vàng quay về để làm giàu trên những thứ mà người ta gần như quên lãng ở miền quê nghèo của dải đất miền Trung. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)