Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bộ không can thiệp về cách thức dạy học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trao đổi với chúng tôi xung quanh cách thức tổ chức dạy học theo nhóm, ông Lê Tiến Thành (ảnh) – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết:
– Cách thức tổ chức dạy học theo nhóm là cách hiện đại mà các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đang áp dụng rất nhiều. Đây chỉ là một hình thức tổ chức lớp học. Cái gốc của vấn đề là hiệu quả mà hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào “tay nghề” của giáo viên.
* Tuy nhiên, lạm dụng cách dạy học theo nhóm có khiến cho HS quá vất vả không, thưa ông?
– Lạm dụng bất cứ cách dạy học nào cũng không tốt, nhưng lên án phải là để dẹp cái mà người ta lạm dụng chứ không phải để triệt tiêu nó. Mỗi phương pháp dạy học đều có ưu điểm và kèm theo hạn chế, sử dụng hợp lý thì mới tạo nên hiệu quả. Ví dụ, dạy về cái cây mà cho HS ra ngoài sân trường để quan sát cái cây thì tất nhiên là tốt hơn nhiều so với ngồi trong lớp.
* Trong yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, Bộ GD-ĐT có định lượng bao nhiêu phần trăm số giờ học phải cho HS làm việc theo nhóm?
– Hoàn toàn không có quy định đó. Giáo viên được quyền chủ động lựa chọn hình thức tổ chức dạy học tùy thuộc vào yêu cầu của nội dung bài học đó và lựa chọn cách thức nào để HS tiếp nhận kiến thức một cách hiệu quả nhất. Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu: giáo viên hướng dẫn HS tự tìm tòi, nghiên cứu; không thông báo những kiến thức có sẵn; hạn chế đọc-chép và không được làm thay những việc mà HS phải làm.
Tự HS phải giải quyết bài học của mình cho đến khi nó thực sự là kiến thức của mình, giáo viên chỉ là người dẫn dắt. Bởi vậy tôi mới khẳng định là dạy học theo nhóm không phải lúc nào cũng tốt. Ví dụ dạy xong lý thuyết, giáo viên giao bài tập cho HS thì có thể làm việc theo nhóm sẽ phản tác dụng nếu một HS giỏi làm thay phần việc của cả nhóm; khi đó thì phải yêu cầu cá nhân làm mới tốt.
* Dạy học theo nhóm sẽ khiến giáo viên vất vả hơn?
– Mục tiêu mà chúng tôi mong muốn không phải giáo viên phải làm việc nhiều hơn hay không mà HS phải được tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng và có hiệu quả nhất. Còn nếu nói rằng học theo nhóm khiến “trò lệch vai, cô khản tiếng” có thể là do giờ học đó tổ chức kém chứ không phải tất cả giáo viên đều như vậy. Trên thực tế, có nhiều giáo viên thực hiện được điều này rất tốt.
* Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM thì đổi mới phương pháp dạy học nên thoát ly khỏi bảng viết. Ông có cho rằng dạy học có thể sẽ không cần bảng nữa?
– Bộ GD-ĐT không muốn giáo viên là nô lệ của sách giáo khoa và các phương tiện dạy học. Bảng chỉ là một phương tiện dạy học và không phải lúc nào HS cũng nhìn lên bảng mới học được. Tuy nhiên, rõ ràng là giờ tập viết, cô viết lên bảng trò chép lại thì phải có bảng. Điều quan trọng là tùy yêu cầu cụ thể thì sử dụng phương tiện dạy học phù hợp. Bộ không can thiệp vào việc giáo viên sử dụng phương tiện nào, tổ chức cách thức dạy học nào để dạy cho HS. Nếu cách ngồi như truyền thống HS vẫn học tốt, vẫn hào hứng và thích học thì cứ tổ chức lớp học như vậy, không sao cả.
Tuệ Nguyễn thực hiện (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)