Một tiết học tiếng Anh với giáo viên bản xứ tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4). Ảnh: Q.Huy |
Việc thay đổi từ hình thức khảo sát bằng phương thức đăng ký học đại trà chương trình tăng cường tiếng Anh (TCTA) đã khiến nhiều trường tiểu học không khỏi lo lắng như: không đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh học sinh (PHHS), cơ sở vật chất (CSVC) còn hạn chế, thiếu giáo viên đứng lớp…
Trước những bức xúc này, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) đã chia sẻ: “Chúng ta khó tránh khỏi những khó khăn ban đầu, nhưng đây là điều kiện giúp cho bất cứ HS nào cũng có thể học tiếng Anh, tránh được áp lực xét tuyển cũng như tình trạng quen biết gửi gắm vào lớp TATC…”.
Đáp ứng nhu cầu tất cả PHHS
Từ năm 1998, TP.HCM đã thực hiện dạy chương trình TATC cho HS tiểu học với 8 tiết/tuần. Tuy nhiên, những HS được học chương trình TCTA đều phải trải qua một kỳ thi khảo sát tiếng Anh khá khắt khe vào đầu năm học. Vì vậy, khi chương trình khảo sát được bỏ đi, đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho tất cả HS có thể học tiếng Anh, đáp ứng được nhu cầu của các em cũng như PHHS có mong muốn con em mình được học chương trình TCTA. Bà H.T, phụ huynh một HS lớp 3 Trường TH Chu Văn An (Bình Thạnh), chia sẻ: “Tôi rất đồng tình với cách làm này. Nó tạo điều kiện cho HS học để biết cho đến HS học để thi trình độ Staters. Suốt hai năm qua, con gái tôi học TATC, mỗi tuần được học với giáo viên nước ngoài một lần, cháu rất hứng thú. Cháu học rất khá, đặc biệt là kỹ năng phát âm, nghe rất tốt. Điều này chứng minh qua việc khi đi xem bộ phim Megamind, mặc dù ngồi xa không đọc được chữ, nhưng chỉ nghe thôi cháu đã hiểu gần hết nội dung phim”.
Sở GD-ĐT cho biết, với chương trình TATC, HS có thể sử dụng tài liệu Let’s learn English, Let’s Go. Tuy nhiên nhà trường vẫn khuyến khích HS sử dụng tài liệu Familly and Friend để có sự đồng bộ khi liên thông khi lên THCS. Trong quá trình học, HS được làm những bài tập phù hợp với lứa tuổi như tô màu, giải đố, diễn kịch… điều này đã tạo động lực và cảm hứng cho HS. Kết quả học tập được đánh giá theo các cấp độ Starters, Movers, Flyers của Hội đồng Khảo thí ĐH Cambridge (Cambridge ESOL). Học hết lớp 2, HS phải trải qua kỳ thi Starters, nếu như HS nào không đạt được mức khiên (điểm) trung bình theo quy định thì HS đó tiếp tục học chương trình tiếng Anh đại trà của Bộ GD-ĐT, còn vượt qua, các em tiếp tục học TATC lớp 3. Và nếu hoàn thành chương trình tiểu học với cấp độ Flyers do Cambridge ESOL cấp, HS có thể giao lưu với các trường quốc tế tại TP.HCM và nước ngoài… “Đây là hình thức đánh giá trình độ một cách khách quan vì trong hai năm học lớp 1, lớp 2, phụ huynh HS cũng như giáo viên có thể thấy được trình độ của từng HS. Từ đó có kế hoạch tốt hơn trong việc phát triển, bồi dưỡng tiếng Anh cho các em. Hơn thế nữa, hình thức này còn tạo mọi điều kiện, cơ hội cho HS thi chứng chỉ cao hơn của Cambridge như: KET, PET, FCE, IELTS… nếu như HS đã đạt được chứng chỉ Flyers” – ông Lê Ngọc Điệp cho hay.
Vạn sự khởi đầu nan
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nguồn giáo viên dạy TATC phải lấy từ giáo viên biên chế hoặc giáo viên do phòng GD-ĐT hoặc trường hợp đồng, đảm bảo yêu cầu: giáo viên phải có trình độ CĐ sư phạm, ĐH sư phạm môn tiếng Anh hoặc trình độ ĐH ngoại ngữ Anh văn; có chứng chỉ TKT do Cambridge ESOL cung cấp. Với những yêu cầu này, nhiều trường sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tuyển giáo viên cũng như khó khăn về CSVC như yêu cầu phải có phòng bộ môn, có thiết bị máy móc hỗ trợ…
Tuy nhiên, Sở GD-ĐT khuyến khích các trường có thể mời giáo viên bản ngữ từ các trung tâm ILA, Apollo và Language Link… đến giảng dạy. Ngoài ra, sở cũng khuyến khích các trường tham gia các chương trình hỗ trợ về phương tiện giảng dạy của Công ty Phonics Learning Box – UK hoặc Công ty DynEd. Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cổ Loa (Phú Nhuận) cho biết: “Với sự giúp đỡ của Phonics, DynEd đã góp phần giảm đi nhiều khó khăn trước mắt về CSVC cũng như kinh phí thi cử cho các trường. Chúng ta nên nhìn vào thành quả mà vượt qua khó khăn”. Cụ thể, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) là trường đầu tiên ở TP.HCM đã vận dụng sự hỗ trợ phần mềm giảng dạy của DynEd. Cô Ngô Thị Ngọc Thúy, giáo viên trường này đã nói: “Phần mềm giảng dạy DynEd hỗ trợ HS nghe, nói, đọc, viết một cách tối đa; học ngữ pháp kết hợp với nghe trên máy tính; HS được so sánh giọng đọc của mình với giọng đọc bản ngữ; được tương tác với máy tính bằng tiếng Anh; có phần mềm quản lý thành tích học tập thông minh, tự nhận dạng giọng nói… Đây là chương trình hoàn thiện các kỹ năng, gắn kết lớp học, tạo nên buổi học rất hiệu quả”.
Đây là năm đầu thực hiện chương trình này, nhiều trường tiểu học sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt, tuy nhiên mỗi trường nên có sự thống nhất trong hội đồng sư phạm nhà trường để cùng có trách nhiệm thực hiện thành công. Từ những định hướng bước đầu, các trường sẽ bổ sung, đóng góp vào để mô hình ngày càng hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các đơn vị triển khai tốt, hiệu quả, Sở GD-ĐT sẽ hỗ trợ cho đơn vị đăng ký thi là 10.000 đồng/thí sinh cho HS học TATC và Cambridge ESOL hỗ trợ 1 USD/thí sinh cho HS học tiếng Anh tự chọn có nguyện vọng đăng ký thi.
Ngọc Trinh
Chia sẻ về việc giải quyết khó khăn về CSVC, nhiều ý kiến cho rằng, những trường không có điều kiện tốt có thể vận động sự đóng góp từ PHHS. Cần khuyến khích sự quan tâm của PHHS về nội dung, phương pháp dạy học… để nhà trường có thể hoạt động giáo dục hiệu quả hơn. |
Bình luận (0)