Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bỏ lỡ lợi thế từ vốn FDI

Tạp Chí Giáo Dục

Công nghiệp phụ trợ dù đã được bàn thảo nhiều từ rất lâu nhưng nay vẫn giẫm chân tại chỗ, lỡ cơ hội phục vụ các dự án FDI lớn để tạo ra giá trị gia tăng cao

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước cần tận dụng cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI)” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ở TP HCM ngày 10-1.
Đóng góp lớn nhưng sức lan tỏa kém
Tính đến hết năm 2013, cả nước có hơn 15.696 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 230 tỉ USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 112 tỉ USD. Năm 2013, cả nước có 1.275 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 14,27 tỉ USD và 472 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 7,3 tỉ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong năm 2013 đạt 11,5 tỉ USD.
Các doanh nghiệp FDI luôn mong muốn môi trường đầu tư thông thoáng. Trong ảnh: Sản xuất hàng tiêu dùng ở Công ty TNHH Yujin Vina Việt Nam (vốn Hàn Quốc, tại KCX Linh Trung 1, TP HCM)Ảnh: HỒNG NHUNG
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Văn Trung, nhận xét đầu tư nước ngoài đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, gia tăng kim ngạch và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán…
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, không thể phủ nhận những đóng góp của khối DN FDI đối với kinh tế Việt Nam, nhất là khi kinh tế thế giới và FDI toàn cầu chưa phục hồi như dự báo. Chẳng hạn, chỉ tính riêng đầu tư của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm của thế giới về sản xuất, xuất khẩu điện thoại di động. Các nhà máy của hãng đã tạo ra 38.000 lao động và từ 50.000-60.000 lao động trong 2 năm tới. Năm 2014, khi Samsung hết thời hạn được miễn thuế thu nhập DN thì sẽ nộp vào ngân sách tỉnh Bắc Ninh khoảng 1.000 tỉ đồng, chưa kể các khoản nộp ngân sách của DN phụ trợ của hãng này.
Tuy nhiên, sức lan tỏa của khối DN FDI đối với DN trong nước chưa nhiều. Nói về Samsung, hiện có đến 48/68 DN phụ trợ cung cấp linh kiện, thiết bị cho hãng đến từ Hàn Quốc. Trong khi lao động đến từ Hàn Quốc có chi phí cao hơn là cơ hội cho DN phụ trợ trong nước thay thế, tham gia vào chuỗi giá trị của DN FDI nhưng đến nay, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn kém phát triển.
“Chúng ta đã bàn về công nghiệp phụ trợ rất lâu nhưng phát triển chưa mong muốn. Giờ cơ hội đến khi các tập đoàn hàng đầu thế giới đặt nhà máy tại Việt Nam. Cần thí điểm giao cho các địa phương làm sao đưa công nghiệp hỗ trợ đầu vào và phân phối đầu ra gắn với chuỗi giá trị của DN FDI. Nếu không có công nghiệp hỗ trợ, DN trong nước không thể phát triển như kỳ vọng và khi đó dù có thu hút bao nhiêu FDI cũng không còn nhiều ý nghĩa” – GS Mại nói.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Trong khi nhiều nước ASEAN đã cải thiện môi trường đầu tư tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài thì thủ tục hành chính ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư lớn. Tháng 10-2013, Ngân hàng Thế giới công bố bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu, trong đó Việt Nam xếp thứ 99/189 nền kinh tế. Thứ hạng này không thay đổi từ năm 2005 đến nay dù chúng ta thực hiện 21 cải cách, nhiều nhất trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. GS Nguyễn Mại nêu: “Chỉ số cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam giẫm chân tại chỗ, trong khi Campuchia tăng 25 bậc, Philippines và Indonesia tăng 19  bậc. Thái Lan dù bất ổn chính trị nhưng chính sách bảo đảm với nhà đầu tư của họ cũng hơn ta. Đây là vấn đề cần phải suy nghĩ”. “Một số DN FDI đã loại Việt Nam ra khỏi danh sách lựa chọn đầu tư nên điều quan trọng là cần thay đổi luật đầu tư hiện hành” – TS Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Kamm Investment, đề nghị.
TS Huỳnh Ngọc Phiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Amata (Đồng Nai), cho rằng Việt Nam còn thực trạng thu hút đầu tư theo… phong trào. Thấy TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai mở KCN hiệu quả, các tỉnh – thành khác cũng đua nhau thành lập KCN. “Vài năm trước, tôi hỏi lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kêu gọi đầu tư cảng với 14 dự án, vậy Việt Nam ưu tiên dự án nào và câu trả lời là cả… 14 dự án!” – ông Phiên kể. Tại KCN Amata, nhà đầu tư chủ yếu đến từ Nhật và họ đầu tư theo nguyên tắc DN đến trước trở thành đại sứ kêu gọi đầu tư cho DN đến sau. Vì vậy, chính sách cần rõ ràng và ưu đãi tốt, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư hoạt động.
Về vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Cụ thể, cần tiếp cận hỗ trợ các nhà đầu tư đang làm ăn hiệu quả tại Việt Nam để các DN tiếp theo nhìn vào và quyết định đến đầu tư. “Chính sách cần nắm bắt, giải quyết khó khăn cho DN từ khâu xin phép, tiến hành thủ tục và khó khăn nào vượt thẩm quyền địa phương sẽ kiến nghị lên trên giải quyết” – ông Hoàng nhấn mạnh.
Không lo bị xuất khẩu của khối FDI lấn át
Năm 2013, xuất khẩu của khối DN FDI (không kể dầu thô) đạt 81,1 tỉ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ và chiếm hơn 61% kim ngạch xuất khẩu. Cả năm 2013, khu vực FDI xuất siêu 13,9 tỉ USD trong khi cả nước xuất siêu 863 triệu USD. GS Nguyễn Mại cho rằng khối DN FDI không lấn át mà bù đắp nhập siêu của DN trong nước, giúp cán cân thanh toán vững chắc hơn. Khi đầu tư trong nước còn khó khăn và cần sự hỗ trợ của đầu tư nước ngoài thì vấn đề không phải là giảm đầu tư nước ngoài mà phải làm sao để khối DN trong nước mạnh dần lên.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)