Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Tương lai của quan hệ lao động và việc sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn (LCĐ)”.
Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật được áp dụng từ năm 1995 với 3 lần sửa đổi; LCĐ năm 1990 hiện có nhiều quy định không còn phù hợp, xuất hiện kẽ hở, khó áp dụng hoặc gây rất nhiều bất lợi cho người lao động (NLĐ). Theo bà Phạm Lan Hương, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi hội nhập vì bị coi là có nền kinh tế phi thị trường. Điều này, một phần do chính sách tiền lương của nước ta chưa hoàn thiện. Mức lương tối thiểu hiện còn thấp, chưa do thị trường quyết định, chưa tương xứng với giá trị lao động, mới đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu cuộc sống và thấp hơn mức lương trả trên thị trường khoảng 20%. Bà Hương cho rằng, tiền lương tối thiểu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực khoảng 40%. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lấy mức lương tối thiểu để làm gốc tham chiếu trả lương cho NLĐ phổ thông. Cùng quan điểm, ông Phùng Quang Huy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, việc thương lượng, thỏa thuận trong thực tế chưa được tiến hành, nhất là về vấn đề tiền lương. Theo ông Huy, pháp luật nên quy định thỏa ước lao động tập thể là bắt buộc; tiền lương tối thiểu hiện nay không đem lại hiệu quả cao như bản chất của việc quy định mức lương tối thiểu. Nhiều DN đề xuất cải cách mức lương tối thiểu theo hướng tăng cho đủ với mức sống tối thiểu của NLĐ.
Việc sửa đổi LCĐ cũng được các đại biểu đưa ra bàn bạc. Đa số các ý kiến đều cho rằng cần hoàn thiện LCĐ (sửa đổi) và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo cho LCĐ được thực thi có hiệu lực, hiệu quả. Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến LCĐ tới cán bộ, công nhân, viên chức, NLĐ và đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Thực tế hiện nay, không ít cán bộ lãnh đạo chính quyền và cán bộ chuyên môn không nắm được quyền và trách nhiệm của mình trong việc thi hành LCĐ, coi việc thực hiện luật là của tổ chức CĐ các cấp… Về việc làm, cần bổ sung quy định, trong hợp đồng lao động, chủ DN phải thương lượng với CĐ trước khi quyết định những thay đổi về tổ chức sản xuất dẫn đến tăng hoặc giảm số lượng lao động, hoặc cơ cấu lao động, ngành nghề của DN và điều kiện lao động. Nếu chưa thương lượng, khi CĐ không đồng tình thì chủ DN phải tạm hoãn thi hành cho đến khi đạt được thỏa thuận.
Theo ông Nguyễn Duy Vy, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì không nên quy định CĐ cấp trên sẽ thay thế CĐ cơ sở để thực hiện nhiệm vụ. Bởi CĐ cấp trên sẽ không bám sát thực tiễn của từng DN để xây dựng thang lương, bảng lương, nội quy lao động và là chủ thể để ký thỏa ước lao động tập thể. Việt Nam cần có số lượng lớn cán bộ chuyên trách CĐ cấp trên vì số lượng DN ngày càng tăng. Để thực hiện nhiệm vụ theo quy định mới, mỗi Liên đoàn Lao động huyện cần ít nhất 5 biên chế. Như vậy cần phải tăng 2,5 biên chế/ CĐ cấp huyện. Toàn quốc có 686 đơn vị cấp huyện nên cả nước cần tăng 1.715 biên chế. Chi phí cho 1 biên chế khoảng 50 triệu/năm, có nghĩa chi phí tăng thêm của CĐ cho việc này là khoảng 85 tỷ đồng/ năm.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa khẳng định: “Việc thiết lập khung pháp lý hiệu quả hơn để NLĐ và NSDLĐ có thể đối thoại và thương lượng, nâng cao năng lực của cả hai bên trong bối cảnh kinh tế liên tục thay đổi điều đó thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp lao động. Hiện dự án LCĐ và Bộ luật Lao động đang được gấp rút hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ VII (tháng 5-2010) và thông qua tại kỳ họp thứ VIII (tháng 10-2010)”.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)