Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Bổ mà không ngon cũng bằng không!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều nghiên cứu khoa học đã khẳng định vai trò đa dạng của thần kinh vị giác. Nếu nghĩ lưỡi chỉ để nếm là sai. Khẩu vị ảnh hưởng rõ ràng trên nhiều chức năng của cơ thể. Nếu nghĩ chỉ cần món ăn dồi dào dưỡng chất là đủ để cơ thể khỏe mạnh thì cũng chỉ gần đúng. Món ăn bổ dưỡng đồng thời phải ngon miệng.

Bằng chứng điển hình chính là “hội chứng ngược đời” (paradox syndrom) theo kết quả nghiên cứu của giáo sư Renault ở Bordeaux – Pháp. Ông giáo sư này đã so sánh 2 nhóm đối chứng, gồm:
– Nhóm 1: Ăn uống đúng điệu kiêng khem tối đa; đồng thời cữ muối, cữ đường, thậm chí cữ gần hết.
– Nhóm 2: Ăn uống đúng điệu dân Bordeaux, nghĩa là có rượu vang, giăm bông và phô mai, lại thêm tiếng cười giòn trong mỗi bữa.
Kết quả, nhóm 1 có tỉ lệ bệnh tim mạch cao gấp 3 lần nhóm 2! Theo giáo sư Renault, tình trạng thoải mái trong bữa ăn, cảm giác hài lòng vì ngon miệng sau đó thậm chí quan trọng hơn thành phần dưỡng chất trong khẩu phần!
Phát hiện của giáo sư Renault sau đó đã được xác minh nhờ thầy thuốc hiểu rõ hơn về endorphine – nội tiết tố được tuyến yên phóng thích khi gia chủ hài lòng. Nhờ chất này mà gia chủ có giấc ngủ yên bình với cảm giác lạc quan, yêu người, yêu đời khi thức dậy. Hàm lượng endorphine tăng thấy rõ sau bữa ăn thoải mái, cho dù không cần cao lương mỹ vị. Ngược lại, dopamine – hoạt chất khiến gia chủ dễ quạu, làm dòng máu trở nên đậm đặc, nhịp tim và huyết áp tăng – lại chiếm thế thượng phong ở người ăn quá nhanh, chỉ để no, vừa ăn vừa làm việc và nhất là khi ăn món dở ẹt!
Đi xa hơn nữa, các nhà nghiên cứu ở Đại học Essen – CHLB Đức đã chứng minh ngay cả với một bữa ăn không quá nhiều chất đạm, lượng tryptophan đưa vào cơ thể vẫn ở mức tối ưu nếu thực khách cảm thấy “đáng tiền”. Nhờ tryptophan mà cơ thể tổng hợp serotonin – chất giúp ngủ thật sâu. Tác dụng này thậm chí được ghi nhận nếu thực khách tuy ăn chẳng bao nhiêu nhưng có người cùng bàn tri kỷ theo kiểu Bá Nha gặp Tử Kỳ. Điều đó cho thấy dẫn truyền trên trục thần kinh – nội tiết – biến dưỡng chịu ảnh hưởng của cảm giác ngon miệng đến thế nào.
Tiếng Việt nghe qua đơn giản mà thâm thúy. Bằng chứng là câu hỏi thăm “Ngon không?” khi đãi khách. Món ăn phải ngon, vì ngon miệng mới mong ngon trớn, đủ trớn mới mong lên hết dốc. Chọn bạn mà chơi, chọn mặt gửi vàng, chọn món ăn thức uống để bảo vệ sức khỏe cũng thế mà thôi.
Theo NLĐ

 

Bình luận (0)