Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bố mẹ ơi, xin đừng “giam lỏng” con…

Tạp Chí Giáo Dục

Những lời đay nghiến luôn được tuôn ra để dạy dỗ tôi nhưng bố mẹ đâu có biết nó chỉ làm tôi thêm mệt mỏi và chán nản hơn. Tôi rất yêu bố mẹ, nhưng nếu cứ bị kìm kẹp như thế này dễ tôi phát điên mất…

Bố mẹ tôi luôn dạy dỗ tôi nghiêm khắc đến mức bảo thủ. Từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ được phép tiếp xúc với với bất kì người bạn nào, với lí do là sợ tôi đua đòi, hư hỏng. Nhà  3 tầng nhưng chỉ có đúng một chiếc điện thoại ở trong phòng của bố mẹ, chắc chắn nó sẽ bị khoá đề phòng tôi buôn chuyện. Bạn bè tôi gọi điện đến thì đều bị “tra khảo” một lúc rất lâu và kết cục thì vẫn là không cho ai gặp tôi cả. Nếu đứa nào “liều mạng” đến tận nhà tìm thì kiểu gì cũng bị bố tôi ra “sạc” cho một trận khiến tụi bạn sợ mất mật.

Khi tôi xin phép đi đâu thì thường câu trả lời của bố mẹ là “Ở nhà, ra đường làm gì nguy hiểm lắm”. Hiếm hoi lắm tôi mới được đồng ý cho đi chơi một hôm nhưng tôi phải khai báo rõ ràng “đi đâu, đi với ai, chơi cái gì” rồi sau đó bố tôi sẽ đèo đến đấy và chỉ được đúng một tiếng sau bố tôi đã lại đến đón về.

Mẹ thì luôn áp đặt tôi phải theo ý của mẹ. Nếu tôi bị điểm kém (Với mẹ điểm 7 là điểm kém rồi), mẹ sẽ đánh tôi cái tội không chịu học. Nếu tôi không hiểu bài và gọi hỏi bạn, mẹ sẽ mắng tôi “Tại sao cả lớp hiểu mà mày lại không hiểu? Ở trong lớp mày lại nói chuyện không nghe cô giảng chứ gì?” khiến tôi sợ hãi vô cùng, càng vùi đầu vào học.

Mỗi khi tôi mắc lỗi gì, mẹ luôn đay nghiến khiến tôi mệt mỏi tột độ. Nếu tôi làm gì không vừa ý hoặc không hiểu hết ý mẹ, mẹ sẽ nói những câu vô cùng mỉa mai để làm tôi phải xấu hổ. Mẹ biết tôi sợ mẹ nên rất hay tra tấn tinh thần tôi. Chẳng hạn như năm ngoái, khi tôi đang vùi đầu vào ôn thi đại học, mẹ luôn luôn đứng đằng sau lưng tôi dặn dò “Chị mà không đỗ thì quá phí công tôi đầu tư cho chị học. Trượt thì tôi cho đi hót rác. Liệu liệu mà học”. Còn 1 điều nữa tôi rất xấu hổ khi nhắc đến, đó là mẹ thường xuyên đọc nhật ký mà không hề nói với tôi. Tôi có suy nghĩ nào viết vào nhật ký là mẹ sẽ đọc bằng được, rồi ngày hôm sau mẹ mắng tôi như trút nước, nói tôi "mất dạy", "phá đám", thậm chí còn mắng chửi tôi với những ngôn từ rất đáng sợ.

Tôi chẳng hiểu đấy là mẹ đang khích lệ tinh thần tôi hay là đe doạ nữa. Nhiều khi uất ức tôi chỉ biết nằm khóc một mình, không dám kể với ai, không dám viết cả nhật kí vì kiểu gì mẹ tôi cũng đọc được và sẽ mắng tôi. Tôi đã 18 tuổi rồi, có phải bé dại gì nữa đâu mà bố mẹ cứ tìm cách nhốt tôi khư khư như vậy. Tôi muốn được đi chơi với bạn bè, muốn đến những quán dành cho học sinh – sinh viên mà lũ bạn tôi hay kháo nhau, muốn được đi xem phim, ăn uống… Nhiều khi bạn gọi đến, rõ ràng tôi đang ngồi đó mà mẹ bảo tôi không có nhà, đi ngủ, đi tắm hoặc bất cứ lý do gì khiến lần sau các bạn chán chẳng buồn gọi nữa. Tôi ngồi đó ngó trân trân, còn mẹ chép miệng "Lắm chuyện, rủ nhau đi lắc à mà rủ lắm thế!!!" (Mẹ xem báo thấy thanh thiên đi lắc nhiều, mẹ cũng cho là tôi sẽ đi…)
Tôi vào đại học, cuộc sống dường như dễ thở hơn với tôi một tí. Bố mẹ thi thoảng mới đưa đón tôi đi học nữa, đã cho tôi lắp mạng internet trong phòng và đôi lúc còn cho tôi đi chơi với bạn, tuy nhiên tôi vẫn chưa được dùng di động. Dù sợi dây của bố mẹ chỉ hơi nới lỏng ra một chút, cũng làm tôi vô cùng mừng rỡ. Tôi như được mở mắt với thế giới bên ngoài. Tôi không bỏ qua bất cứ hoạt động tập thể nào của trường, lớp. Bạn bè ai cũng tưởng trước kia tôi năng nổ lắm nhưng có ai biết đâu là do tôi bị kìm kẹp quá lâu nên giờ mới có cơ hội để tham gia.

Trung thu vừa rồi trường tôi tổ chức liên hoan văn nghệ. Tôi xung phong làm MC cho trường. Hôm tổng duyệt, vì có trục trặc nên tôi phải ở lại trường hơi muộn. Mặc dù tôi đã gọi điện xin phép mẹ nhưng khi tôi về đến nhà, mẹ tôi liền lao xuống quát ầm ĩ “Mày dạo này hơi quá đà rồi đấy! Mai đi học xong là về nhà ngay, không thì đừng trách tao!”. Tôi có giải thích và năn nỉ cỡ nào cũng không lay chuyển được quyết định của mẹ.

Cả đêm đấy tôi nằm khóc sưng cả mắt. Mai tôi không thể không đến được. Hoạt động của cả trường chứ có phải của riêng lớp tôi đâu. Mà báo gấp như thế sẽ khó tìm ai có thể lên thay được, tôi sẽ làm hỏng cả chương trình. Suy tính cả đêm, tôi quyết định liều một phen.

Hôm sau tan học tôi không về nhà luôn mà ở lại trường. Lần đầu tiên tôi biết hội diễn của trường của là như thế nào, mà cảm giác được hoà vào không khí của lễ hội càng làm tôi phấn khởi vô cùng. Nhưng niềm vui đấy không kéo dài được nửa quá chương trình.

Bố mẹ tôi đã đến tận trường tìm tôi, và giữa con mắt của bạn bè thầy cô, mẹ tôi đã mắng tôi không tiếc lời làm tôi chỉ muốn chui xuống đất. Lớp trưởng và thầy chủ nhiệm phải ra đỡ lời, mẹ tôi mới thôi nói và lôi tôi về nhà. Vừa vào đến nhà, bố đã tát tôi một cái đau điếng cái tội “càng lớn càng mất dạy”. Mẹ thì lên phòng lôi hết quần áo của tôi vứt ra ngoài cửa rồi doạ “Giờ mày lớn rồi nên không biết sợ bố mẹ là gì nữa đúng không? Có giỏi thì đi luôn cho tao xem nào?”

Chưa bao giờ tôi uất ức như thế. Đây là lần đầu tiên tôi biết cãi lại bố mẹ. Thật ra đấy không hẳn là cãi, chỉ là giải thích mọi chuyện nhưng việc tôi mở mồm ra càng khiến bố mẹ tôi điên tiết. Mẹ tôi gào lên chửi tôi là đứa láo toét, “Tao cho mày ăn học tử tế để mày về cãi lại bố mẹ đấy à? Vừa thả cho chơi một tí là mang cái bố láo về nhà ngay”. Tôi chán nản đến mức tuyệt vọng.

Sau hôm đấy, tôi bị nhốt trong nhà 3 ngày không cho đi học để chừa cái tội láo lếu, mạng bị cắt, xe bị khoá, bố mẹ thì quản tôi còn ghê hơn trước. Tôi cảm thấy bế tắc và mệt mỏi với cuộc sống này lắm lắm rồi. Tôi rất yêu bố mẹ, nhưng nếu cứ bị kìm kẹp đến vô lý như vậy mãi, liệu tôi có thể phát triển bình thường được không?? Từ bé đến nay tôi đã lần nào làm gì sai đâu, vậy mà tại sao khoảng cách giữ tôi và gia đình cứ ngày càng được ngăn cách. Nhiều lúc, tôi thèm cái cảm giác hai mẹ con đùa với nhau, mẹ đưa tôi đi mua sắm như mẹ của vài đứa bạn khác. Có lần chúng nó kể hai mẹ con rủ nhau đi vẽ móng, hoặc bố gần gũi với con mà lại ứa nước mắt. Phải chăng là tại tôi?? 
 
Giờ tôi chỉ mong sớm được ra trường, sống riêng để không còn phải chịu cảnh này nữa…
 
Theo kênh 14

Bình luận (0)