Y tế - Văn hóaThư giãn

Bỏ ngỏ thị trường phim thiếu nhi

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện, 1/3 dân số Việt Nam là trẻ em, nhưng trung bình hơn 1 tháng mới có một bộ phim hoạt hình "made in" Việt Nam được trình chiếu. Phim truyện thì đang “mất hút” thể loại này.

Hoạt hình: Làm 1 năm đủ chiếu… 1 tháng

Thế hệ thiếu nhi cách đây chừng 20 năm luôn háo hức trước thời khắc của chương trình “Những bông hoa nhỏ”. Thời ấy, những bộ phim hoạt hình Việt Nam tuy đơn giản nhưng đều đặn ra đời, phục vụ cho đối tượng khán giả nhí. Đến nỗi nhạc hiệu của chương trình đã trở nên quen thuộc với bao người.
Công nghệ thông tin phát triển như vũ bão kèm theo sự phát triển của các loại hình khác, nhưng xem ra, tốc độ cũng như trình độ phát triển của phim hoạt hình của chúng ta lại “dậm chân tại chỗ”. Trên truyền hình hiện nay có khung "giờ vàng" dành để chiếu phim Việt Nam nhưng là phim "cho người lớn" chứ không phải phim hoạt hình.

Một cảnh trong phim “Giấc mơ biển”.

Khán giả nhí giờ đây muốn xem phim hoạt hình thì tìm đến các kênh truyền hình nước ngoài trên hệ thống truyền hình cáp như: Cartoon Networks, Disney Cartoon… Ở đó, các em có thể xem hoạt hình 24/24 giờ. Song đó chỉ toàn là phim hoạt hình nước ngoài. Ngay cả kênh truyền hình Bibi do Việt Nam sáng lập cũng gần như chỉ chiếu phim hoạt hình nước ngoài. Trẻ em Việt Nam gần như không có khái niệm về phim hoạt hình Việt Nam.

Cả nước chỉ có hai đơn vị sản xuất phim hoạt hình là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và Trung tâm Sản xuất phim hoạt hình của Đài Truyền hình Việt Nam. Theo ông Đặng Vũ Thảo, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hãng phim hoạt hình Việt Nam thì mỗi năm, hãng chỉ có thể làm được 250 phút phim. Nếu mỗi ngày phát 1 bộ phim (khoảng 10 phút) thì lượng phim cả năm sản xuất chỉ đủ chiếu trong một tháng.

Tuy nhiên, do hãng làm phim theo đơn đặt hàng chứ không tự sản xuất và mỗi năm Nhà nước chỉ đặt hàng khoảng 90-100 phút phim (9-10 đầu phim) nên việc khan hiếm phim hoạt hình Việt là điều dễ hiểu. Đó cũng chính là lý do khiến trẻ em Việt Nam không có hình tượng Việt nào trong mình mà chỉ biết đến những: Vịt Donald, Tom và Jerry, Doraemon, Pikachu, Ben 10, Robot trái cây…

Thực trạng này có nguyên nhân của nó. Một đạo diễn phim hoạt hình chia sẻ: “Hiện nay không dại gì người ta bỏ tiền làm phim hoạt hình khi không kinh doanh được. Chỉ khi nào Nhà nước đặt hàng, đầu tư thì người ta làm. Làm kinh doanh, không ai bỏ tiền ra đầu tư mà không có lãi, chí ít bỏ ra 10 đồng người ta thu về được 10 đồng để bảo toàn vốn”. Nhưng hiện nay phim hoạt hình sản xuất ra lại không bán được, trong khi Nhà nước lại chưa có cơ chế hỗ trợ với thể loại phim này.
Bởi thế, dù có đến vài chục hãng phim, nhưng chẳng hãng nào đầu tư cho phim hoạt hình. Một bộ phim hoạt hình dài 10 phút, các nhà làm phim phải mất cả tháng trời, đó là trong trường hợp đã có sẵn ý tưởng và cơ sở vật chất. Trong khi lại không thu được lợi nhuận. Còn để có một bộ phim truyện nhựa, các nhà làm phim chỉ cần 6 tháng là xong và khi ra rạp, lợi nhuận là con số tiền tỷ.

Phim truyện cho thiếu nhi: Mất hút
Theo thông tin từ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, hiện nay, các suất chiếu phim thiếu nhi đều “cháy” vé. Điều đó cho thấy nhu cầu thưởng thức điện ảnh của thiếu nhi rất lớn và phim thiếu nhi cũng là “mặt hàng” hái ra tiền. Vậy nhưng từ nhiều năm nay điện ảnh Việt Nam có vẻ… thờ ơ với thể loại này.
Nguyên nhân được các nhà biên kịch, đạo diễn cho rằng, khan hiếm kịch bản. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết: “Muốn có phim thiếu nhi thì phải có kịch bản đề tài thiếu nhi bảo đảm chất lượng. Trên thực tế, đây là đề tài khó mà hầu hết các biên kịch đều… “né”. Lý do là họ không chịu dấn thân, đầu tư tìm hiểu xem trẻ con thích gì, cần gì, nghĩ như thế nào và ứng xử ra sao với những tình huống cụ thể. Không hiểu trẻ, nếu cứ “cưỡng bức” ngòi bút của mình theo tư duy “buộc phải trẻ hóa”, hệ quả là những kịch bản khiên cưỡng”.
Còn theo đạo diễn Vũ Xuân Hưng – Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, một nguyên nhân khiến các đạo diễn ngại làm phim thiếu nhi vì diễn viên của loại phim này hầu hết là nghiệp dư, đang ở độ tuổi đi học. Chọn được diễn viên hợp vai, có khả năng diễn xuất tốt chưa chắc gia đình đồng ý, rồi còn phải tránh thời gian học tập… Làm phim thiếu nhi, lượng phim quay tốn gấp nhiều lần so với phim người lớn với diễn viên chuyên nghiệp, trong khi kinh phí thì có hạn… Đạo diễn “ngại”, kịch bản lại chẳng có nên phim thiếu nhi “mất hút” là chuyện dễ hiểu.
Đạo diễn Vũ Hồng Sơn, đạo diễn của “Đội đặc nhiệm nhà C21” cho biết, ông ngừng làm phim mảng đề tài này vì những khó khăn không thể lường hết trong quá trình sản xuất phim. Đạo diễn này chia sẻ: “Quản lý dàn diễn viên toàn trẻ con rất mệt, đấy là chưa kể đến việc phải sắp xếp để những diễn viên nhí vừa có thời gian đóng phim, vừa có thời gian đi học”.
Các nhà làm phim đều “ngại” làm phim cho thiếu nhi. Nguyên nhân, nói cho cùng vẫn là kinh phí. Từ thiếu kinh phí dẫn đến thiếu kịch bản, thiếu diễn viên… Với một nền điện ảnh “lười vận động” như hiện nay thì thiếu nhi Việt Nam cứ chấp nhận trường kỳ xem phim nước ngoài đến khi trở thành… người lớn.

An An

Theo Tin Tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)