Bộ phim từng gây ấn tượng tại LHP Cannes năm ngoái về chủ đề bạo lực học đường và mối quan hệ mẹ-con. sớm được trình chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội lần 2. Hôm nay Cục Điện ảnh công bố danh sách Ban giám khảo.
We need to talk about Kevin (Chúng ta cần nói chuyện về Kevin) của đạo diễn Lynne Ramsay, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 2003 của Lionel Shriver.
Cục trưởng Cục Điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan cho biết, đây là phim đỉnh trong số phim quốc tế có mặt trong LHP sắp tới. Phim từng được giải Phim hay nhất LHP London 2011.
Eva (Tilda Swinton) xuất hiện ngay đầu phim trong lễ hội cà chua đông nghẹt. Màu đỏ của từng thùng cà chua xay tưới đẫm đám đông, nhân vật chính hứa hẹn chuỗi tình tiết dữ dội.
Ngay cảnh sau là hình ảnh cả mặt tiền ngôi nhà, xe hơi nhuốm màu sơn đỏ ai đó cố tình hắt vào. Tông màu đỏ trở đi trở lại nhiều lần, khi đặc tả lọ mứt đâu, lúc là màu vẽ. Yếu tố bạo lực dù không trực diện nhưng theo lối gián tiếp qua từng góc máy, màu sắc, ánh sáng còn ám ảnh hơn nhiều lần.
Mở đầu bằng hiện tại, nhưng mạch phim liên tục bị ngắt bởi dòng cảm xúc, hồi tưởng của Eva về quãng thời gian gần 20 năm trước- khi gặp gỡ Franklin, sinh và nuôi nấng hai đứa con. Một phần đời người, bao biến cố lướt trên màn ảnh cùng tiếng xè xè của những cuốn phim chiếu rạp.
Phim nghèo thoại, và không phải kiểu xem ít phút đầu có thể đoán tường tận. Người xem chỉ có thể lờ mờ cảm nhận không khí bức bối, sự day dứt khôn nguôi của người mẹ phải chịu đựng sự ghẻ lạnh của hàng xóm, đồng nghiệp, cho tới tận cuối phim.
Cùng đề cập tình mẫu tử, nếu Forrest Gump cho người ta cảm động về người mẹ yêu thương, hy sinh đến cùng bảo vệ cậu con trai khác thường, We need to talk about Kevin cho người xem góc nhìn khác về một thứ tình mẫu tử ốm yếu.
|
“Mẹ từng rất hạnh phúc trước khi Kevin chào đời”, một câu nựng con của ông bố có thể nói tóm được bi kịch của hai mẹ con: Cậu con trai khóc ngằn ngặt không nín cả ngày trời. Bà mẹ không có bản năng dỗ con nín, chọn cách đẩy xe trên phố, đứng cạnh công trường để tiếng đứa trẻ hòa lẫn tiếng khoan cắt bê tông.
Eva vì con cái, rời bỏ đô thị về sống vùng ngoại ô yên bình. Kevin tưởng chừng lớn lên trong không khí yên bình đó, nhưng sự thù ghét người sinh thành cứ ngấm ngầm, len lỏi trong từng ánh mắt, cử chỉ.
Những cố gắng, nỗ lực của người mẹ không thể theo năm tháng xoa dịu nỗi thù ghét ấy. Cậu con trai nói đại ý: Người ta có thể quen nhiều thứ, không có nghĩa là thích.
Hay Kevin từng không che đậy: Trông mẹ cũng dữ lắm chứ. Con cũng thế. Con được thừa hưởng điều đó từ ai nhỉ? Cái ác đôi khi không cần nảy sinh từ ngược đãi.
Bạo lực, thảm sát học đường có thể người ta đã gặp đâu đó, được lí giải bằng rất nhiều lí do.
Đạo diễn đưa ra một lát cắt rất nhỏ, mơ hồ và đẩy trách nhiệm trả lời cho khán giả. Và ai đó từng tin rằng con cái phải tự nguyện yêu thương cha mẹ, có lẽ sẽ thay đổi suy nghĩ khi xem phim này.
Không thể phủ nhận thành công lớn của phim nhờ cả vào Tilda Swinton và Ezra Miller, bởi trục phim xoáy sâu mối quan hệ hai mẹ con từ hiện tại đến quá khứ.
Tilda từng được Oscar Nữ phụ xuất sắc trong phim Michael Clayton (2007), là lựa chọn hoàn hảo cho vai bà mẹ có gương mặt lạnh băng, dữ dằn. Vai diễn mang lại cho Tilda giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất châu Âu năm 2011.
Hai diễn viên nhí vào vai Kevin lúc nhỏ diễn tốt, nhưng ấn tượng nhất phải kể đến Miller vào vai khi Kevin lớn. Cái nhìn tăm tối, rực lửa thù hận và những cái cười lạnh buốt cho người xem cảm giác rờn rợn.
Theo TPO
Bình luận (0)