Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bộ phim hiếm hoi được đặc cách

Tạp Chí Giáo Dục

Là một trong những bộ phim chiến tranh được đánh giá cao của Việt Nam, “Mùi cỏ cháy” được đạo diễn Hữu Mười thực hiện chỉ với kinh phí 4,2 tỷ đồng. Đây là bộ phim hiếm hoi của điện ảnh Việt được đặc cách tham dự Liên hoan phim lần thứ 17 trong điều kiện chưa hoàn thiện hậu kỳ. Sau đó, phim đoạt giải Bông sen Bạc, còn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải Bông Sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc nhất.

Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa

“Mùi cỏ cháy” được chia rõ ràng làm hai phần: Phần một là giai đoạn bốn chàng sinh viên nhập ngũ và trở thành tân binh, giống như sự bình yên trước cơn bão, phần hai là cuộc chiến khốc liệt kéo dài 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, một minh chứng sống cho câu “bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”.

Sau 11 năm tính từ ngày phim ra rạp, đạo diễn Hữu Mười cho biết, sở dĩ ông phải kéo dài phần một là vì kinh phí phim quá “hẻo”, nếu lạm dụng cảnh chiến trường thì không biết lấy đâu ra tiền để quay. Nói lại là ở thời điểm năm 2009, con số 4,2 tỷ cho một bộ phim có bối cảnh chiến tranh gần như là thấp không tưởng.

“Ban đầu kinh phí chỉ có 3,2 tỷ thôi, gần 20 đạo diễn của Hãng không ai dám nhận vì với chừng ấy tiền thì biết co kéo thế nào. Sau việc đến tay tôi, không thể từ chối, tôi chỉ có một yêu cầu là mọi việc phải do tôi toàn quyền quyết định. Hãng đồng ý, về sau còn tăng thêm 1 tỷ đồng phim mới có kinh phí 4,2 tỷ”, đạo diễn Hữu Mười nhớ lại.

Bộ phim hiếm hoi được đặc cách ảnh 1

Đạo diễn Hữu Mười vai Hoàng lúc già trong “Mùi cỏ cháy”.

Khi biết tin đứa con tinh thần của mình được trao cho Hữu Mười, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã chủ động mời “giáo Thứ” (vai diễn nổi tiếng của Hữu Mười trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”) đi “khao” bia. Trong cuộc chuyện, vị đạo diễn từng tốt nghiệp ở Nga nói vui với nhà thơ: Em sẽ phải sửa kịch bản nhưng em cho anh ba điều ước, anh muốn em làm gì cứ nói? Hoàng Nhuận Cầm bảo: Thứ nhất là giữ nguyên tên phim “Mùi cỏ cháy”. Thứ hai là giữ nguyên tên bốn nhân vật chính: Hoàng, Thành, Thăng, Long vì ông rất muốn viết về lứa sinh viên Hà Nội đi chiến trường ở thời điểm đó. Và điều thứ ba là phải làm phim thật hay, cấm được làm dở!

Một thay đổi đáng kể khi Hữu Mười can thiệp vào kịch bản là thay vì để bốn nhân vật là “một khối thống nhất”, ông tách họ ra, cho mỗi người một cá tính và đặc điểm riêng. Hoàng mang dáng dấp của Hoàng Nhuận Cầm nên bắt buộc phải làm thơ và đọc thơ. Trong kịch bản gốc không có chi tiết này bởi Hoàng Nhuận Cầm “ngại”, sợ bị người ta đánh giá là “tự mãn, kịch bản của mình lại chêm thơ mình vào”. Hữu Mười không sợ điều ấy, ông chọn ba bài thơ tiêu biểu nhất của Hoàng Nhuận Cầm để Hoàng đọc, trong đó có bài “Chiếc lá đầu tiên”, cộng thêm bài “Cỏ” của Thanh Thảo và “Đò xuôi Thạch Hãn” của Lê Bá Dương.

Nhân vật Thành được xây dựng như là một người mê Chèo và giỏi hát Chèo. Trong phim có nhiều trường đoạn Thành hát Chèo vô cùng độc đáo, đặc biệt là phân cảnh ở ngay bên bờ sông Thạch Hãn, Thành lấy hai cái bát sắt làm ngực giả, quấn mảnh khăn con công và đổ Chèo Thị Mầu lên chùa được đánh giá là một trong những phân cảnh đắt giá nhất phim. Khi kể lại chuyện này, đạo diễn Hữu Mười vẫn nhớ, thời điểm ông đưa ra lý lịch nhân vật, cả hội đồng nghệ thuật của Hãng phản đối, bảo lính Hà Nội sao lại hát Chèo. Ông phải bảo vệ ý kiến bằng ví dụ: Không đâu xa, chỉ cần sang Đông Anh, xuống Thanh Trì là đã có chiếu Chèo rồi.

Thời điểm phim ra rạp, đạo diễn Hữu Mười từng gây sóng dư luận khi tự chấm điểm đạo diễn “Mùi cỏ cháy” là 10 điểm. 11 năm sau, tôi hỏi ông, giờ chấm lại, ông cho mình mấy điểm? Hữu Mười trả lời với giọng hài hước: Tôi vẫn cho mình 10 điểm, tên tôi là Mười mà!

Vai Thăng được Hoàng Nhuận Cầm lấy nguyên mẫu từ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc nên nhiệm vụ của anh là ghi nhật ký. Còn Long, giống như rất nhiều sinh viên thời đó, giỏi đàn hát, ra mặt trận cũng muốn mang theo cây đàn ghi ta. Khi Long mất, đàn ghi ta cũng bị cháy. Và kết phim, rõ ràng nghe tiếng Hoàng văng vẳng đọc thơ, nhưng lại là những câu thơ khiến người xem trào nước mắt: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Đến giờ chấm lại vẫn cho mình 10 điểm

Ở cảnh đầu và cuối phim, thể hiện vai Hoàng khi có tuổi chính là đạo diễn Hữu Mười. Tôi hỏi ông có phải vì nhớ nghề nên diễn chút cho đã thèm hay không, Hữu Mười cười bảo: Nào có, chuyện vô tình thôi! Số là khi ấy phó đạo diễn và trợ lý tuyển chọn mãi vẫn chưa tìm được gương mặt nào giống Hoàng thời trẻ. Bỗng dưng, chủ nhiệm phim bảo “tôi thấy ông (chỉ Hữu Mười) giống nó ghê lắm. Đi tìm làm gì, không ai bằng ông cả”. Cả đoàn nhìn lại, ai cũng bảo hai người giống nhau. Thế là đạo diễn bất đắc dĩ phải lên hình. Về sau, khi gặp lại, người nhà Hữu Mười còn hỏi: Cậu Tùng (diễn viên Nguyễn Năng Tùng thủ vai Hoàng) có phải con rơi của ông không?
Bộ phim hiếm hoi được đặc cách ảnh 2
Hoàng, Thành, Thăng, Long và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Khi “Mùi cỏ cháy” hoàn thành, đạo diễn Hữu Mười đã mời những cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đến xem suất chiếu đầu tiên.

Ông kể: “Người có quân hàm thấp nhất là binh nhất, và cao nhất là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, xem xong ai cũng xúc động nghẹn ngào bảo anh làm đúng như chúng tôi đã sống. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kéo tôi ra một góc rớm nước mắt hỏi: Anh lấy đâu ra chi tiết ngày 30/4 thủ trưởng gặp lính cũ ở Dinh Độc Lập ôm nhau khóc, tôi lúc đó là tiểu đoàn trưởng, tình cảnh đúng như thế”!

Bộ phim hiếm hoi được đặc cách ảnh 3

Một cảnh trong “Mùi cỏ cháy”.

Thời điểm phim ra rạp, đạo diễn Hữu Mười từng gây sóng dư luận khi tự chấm điểm đạo diễn “Mùi cỏ cháy” là 10 điểm. 11 năm sau, tôi hỏi ông, giờ chấm lại, ông cho mình mấy điểm? Hữu Mười trả lời với giọng hài hước: Tôi vẫn cho mình 10 điểm, tên tôi là Mười mà!

Anh em đoàn phim đều công nhận trong hoàn cảnh năm 2009, với kinh phí đó, để làm ra “Mùi cỏ cháy” xúc động như thế, đạo diễn đúng là đã “vận đủ mười thành công lực”. Thời gian quay phim vào tháng 7 âm, mưa dầm dề, đoàn phim cứ phải tranh thủ lúc mưa ngớt để chạy ra quay, tiến độ chậm đến nỗi có người còn chế ra câu thơ: “Ông trời đang làm mưa Ngâu, đoàn “Mùi cỏ cháy” còn lâu mới về”.

Sau này, “Mùi cỏ cháy” được Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) trao tặng Bằng khen cho phim hay nhất về đề tài chiến tranh cách mạng. Ngoài giải Bông sen Bạc, phim còn được trao 4 giải Cánh diều Vàng tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011 cho phim điện ảnh xuất sắc nhất, âm nhạc xuất sắc cho nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, biên kịch xuất sắc cho nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và quay phim xuất sắc nhất cho Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thanh Hà.

Tháng 9 năm 2012, “Mùi cỏ cháy” được Hội đồng tuyển chọn phim thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm đại diện cho Việt Nam tranh đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Giải Oscar lần thứ 85.

Tiếc nuối lớn nhất của đạo diễn Hữu Mười là vì kinh phí eo hẹp nên cảnh chiến trường, bom rơi đạn nổ “chỉ có thể làm đến thế”, thành ra phim chưa tái hiện được một cách chân xác sự khốc liệt của 81 ngày đêm khói lửa ở thành cổ Quảng Trị.

Theo Hạnh Đỗ/TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)