Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Bỏ quên di sản Chăm: Hoang phế tháp đôi Liễu Cốc

Tạp Chí Giáo Dục

Di tích tháp đôi Liễu Cốc là công trình kiến trúc Chăm độc đáo tại Thừa Thiên-Huế, nhưng do không được đầu tư bảo tồn, tôn tạo nên đến nay công trình đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích.
Kỹ thuật xây dựng độc đáo
Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế (đơn vị đang quản lý di tích), tháp đôi Liễu Cốc là hai ngôi tháp của người Chăm nằm gần nhau (tạm quy định: Liễu Cốc 1 và Liễu Cốc 2) cách nhau 2,80 m tại xóm Tháp, thôn Liễu Cốc Thượng, P.Hương Xuân, TX.Hương Trà. Theo các nhà nghiên cứu, tháp đôi này được xây dựng gần nhau trên 2 trục song song hướng đông-tây, trong đó tháp lớn được lát, bó vỉa bằng gạch, tường tháp dày 1,6 m, diện tích lòng tháp trên 9 m2; tháp nhỏ khoảng 7,5 m2. Hai ngôi tháp có lối vào nằm về phía đông, phù hợp với nguyên tắc xây dựng của các đền đài thuộc phong cách của văn hóa Ấn Độ giáo.

Hình ảnh tháp đôi Liễu Cốc hoang phế với cây cối, dây leo bao phủ. /// Ảnh: B.N.L
Hình ảnh tháp đôi Liễu Cốc hoang phế với cây cối, dây leo bao phủ.Ảnh: B.N.L

Tháp đôi Liễu Cốc được xây dựng bằng gạch gốm nung có kích thước: 27 cm x 17 cm x 5 cm. Nền tháp được xây bó vỉa bằng gạch, chân tường được xây bằng gạch gốm, giữ vai trò chịu lực của tháp là tường chịu lực, các viên gạch được sắp đặt một cách sít nhau đều ở cả lớp trong và lớp ngoài của tường tháp, ở giữa thân tường là lớp độn bằng gạch vụn, bột gạch.
Theo tác giả Trung Phương, cán bộ nghiên cứu của bảo tàng, kỹ thuật xây dựng của tháp đôi Liễu Cốc rất tuyệt hảo và tinh vi. Tháp được xây dựng không có mạch hồ mà đã đứng vững hàng ngàn năm. Đây là kỹ thuật đặc trưng trong xây dựng của người Chăm mà đến nay vẫn còn là một bí mật chưa có công trình khoa học nào giải mã được. Qua kỹ thuật xây dựng, kiến trúc của tháp các nhà nghiên cứu đã nhận định có thể xác định niên đại của chúng là vào khoảng thế kỷ thứ 9. Năm 1926, tháp đôi Liễu Cốc đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu xếp hạng là một trong số các di tích được xếp hạng trong toàn cõi VN và Đông Dương lúc bấy giờ.
Tháng 9.1997, di tích này được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, từ đó đến nay, di tích tháp đôi này dần bị rơi vào quên lãng và thiếu các phương án bảo tồn…
Bỏ quên vì không có kinh phí
Do không được trùng tu, tôn tạo cũng như có giải pháp bảo tồn phát huy, nên hiện tại cả hai ngôi tháp đang đứng trước nguy cơ rơi vào hiện trạng “phế tích”. Theo đó, cả hai tòa tháp đã bị cây cối um tùm, dây leo bao phủ hoang tàn đến mức không còn nhận ra. Theo UBND P.Hương Xuân, hiện trạng xuống cấp của di tích tháp đôi Liễu Cốc đã… xảy ra từ lâu! Trong các cuộc họp, người dân cũng có kiến nghị bảo vệ, phục hồi lại di tích này nhưng do thiếu kinh phí nên hằng năm, phường chỉ tổ chức phát quang cây cối, bụi rậm bao quanh di tích chứ không thể làm gì hơn.
Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 150 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Trong đó chỉ có 3 di tích Chăm được công nhận là di tích quốc gia gồm di tích Thành Lồi (P.Thủy Xuân và Thủy Biều, TP.Huế), tháp đôi Liễu Cốc (P.Hương Xuân) và di tích tháp Chăm Mỹ Khánh (ở xã Phú Diên, H.Phú Vang). Di sản văn hóa Chăm trên đất Huế chính là một phần của di sản văn hóa VN. Tuy nhiên, do các di tích Chăm tồn tại từ thời cổ xưa nên qua thời gian biến động đến nay hầu hết bị xuống cấp, mai một đi nhiều so với những di tích Chăm ở các tỉnh như Ninh Thuận và Khánh Hòa. Đặc biệt, trong 3 di tích Chăm được công nhận thì chỉ có tháp Chăm ở xã Phú Diên được bảo vệ nguyên vẹn. Trong khi đó, di tích tháp đôi Liễu Cốc nay đã bị sụp đổ nên công tác bảo tồn hết sức khó khăn, còn di tích Thành Lồi cũng trong tình trạng tương tự.
“Trung bình mỗi năm, bảo tàng chỉ được cấp kinh phí khoảng 3 đến 4 tỉ đồng để trùng tu các di tích, riêng năm 2015 chỉ có 400 triệu đồng… nên việc bảo tồn các di tích, trong đó có một số di tích Chăm thật sự là bài toán nan giải. Thậm chí có di tích đã khai quật lên nhưng chúng tôi buộc phải lấp cát lại vì không có đủ tiền để bảo tồn. Trước mắt, để bảo vệ hiện trạng các di tích Chăm, bảo tàng đã khoanh vùng và giao cho chính quyền địa phương triển khai các công tác bảo vệ theo quy định. Riêng về tháp đôi Liễu Cốc, tới đây đơn vị sẽ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện thám sát khảo cổ học tại tháp này để có đánh giá cụ thể về kiến trúc di tích này nhằm tìm hướng khôi phục di tích nếu có thể”, ông Hùng cho hay.

Bùi Ngọc Long (TNO)

 

Bình luận (0)