Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bỏ quên giáo dục cảm xúc

Tạp Chí Giáo Dục

Trở về từ Nhật Bản sau đợt hội thảo giáo dục, điều khiến tôi suy nghĩ không phải là những vấn đề được đem ra bàn thảo từ các chuyên gia, mà là hình ảnh hai học sinh tiểu học giờ tan trường ở đất nước này.

Hai học sinh đeo cặp sách trên vai, nắm tay nhau thong thả bước đi trên vỉa hè trong một trưa tan trường ở Kyoto. Tôi quan sát hai học sinh, bởi đã nghe rất nhiều về vấn đề tự lập của trẻ em Nhật Bản, đặc biệt là việc các em tự đến trường ở lứa tuổi mầm non, tiểu học. Đang đi, bỗng dưng hai học sinh ngưng câu chuyện đang nói với nhau, đứng xoay lưng, nhìn chăm chú về phía bờ rào như vừa phát hiện một điều thú vị. 

Tò mò, tôi bước nhanh hơn để xem điều gì đang thu hút các em. Trước mặt hai đứa trẻ là những bông hoa triêu nhan (bìm bìm) đang hồi đẹp nhất. Tôi thở phào, thì ra, chúng dừng lại, đứng lặng im một lúc khá lâu chỉ để ngắm những bông hoa triêu nhan đang khoe sắc bên rào.

Bo quen giao duc cam xuc
Phần lớn học sinh Nhật Bản đều tự đến trường

Chỉ có vậy thôi, nhưng ánh mắt hai học sinh dành cho những bông hoa dại bên đường khiến tôi không thôi thắc mắc: “Các em đã ứng xử với những bông hoa, hay cũng chính là thiên nhiên xung quanh bằng thái độ hết sức trân trọng. Ai đã dạy các em 
điều đó?”.

Sâu xa hơn, tôi nghĩ: phải chăng thái độ trân trọng đó được hình thành từ vô thức tập thể? Tình yêu cái đẹp, sự tôn trọng thiên nhiên của người lớn thông qua hành động thực tế đã dẫn truyền một cách tự nhiên, để rồi, chẳng cần đến việc hô hào qua mỗi bài học, tình yêu thiên nhiên sẽ tự nhiên lớn lên trong đứa trẻ, tồn tại như hơi thở. Tất nhiên, để có được điều đó, cần hành trình giáo dục xuyên suốt, không gián đoạn, cũng không thể gấp gáp.

Làm sao để dạy những đứa trẻ điều đó? Câu hỏi vẫn cứ thế xoáy sâu khi tôi đã rời khỏi đất nước mặt trời mọc. Bởi lẽ, tôi chưa từng bắt gặp một hình ảnh nào tương tự như thế trên đất nước mình.

Những đứa trẻ gục lên vai mẹ trên đường đến trường hay tranh thủ ăn vội hộp cơm để kịp vào lớp học thêm buổi tối ngay trên chiếc xe máy giữa khói bụi lúc tan tầm… là những hình ảnh không còn xa lạ với bất kỳ ai. Không nhìn thấy cả ánh mặt trời đang hiện hữu trên đầu, thì việc các em có thời gian để dừng lại ngắm bông hoa trên đường đi học hoàn toàn… xa xỉ. 

Bo quen giao duc cam xuc
Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh Việt Nam phải ngồi trên xe ăn vội khi đến trường

Thực tế đó là hệ quả của những phần khuyết trong chương trình giáo dục. Kỹ năng sống bị xem nhẹ. Ngay cả giáo dục đạo đức còn khô cứng, thì việc nuôi dưỡng tâm hồn, cảm xúc học sinh dường như bỏ ngỏ. Công cuộc chạy đua thành tích bằng điểm số đã khiến học sinh Việt Nam hiện nay đối mặt trước thực trạng đáng lo ngại, đó là chỉ số cảm xúc (EQ) thấp. 

Trong nỗ lực lấp đầy những phần bị cho là khiếm khuyết, Bộ GD-ĐT đang thực hiện chương trình mới với những thay đổi từ cấu trúc chương trình cũng như mục tiêu hướng đến.

Tuy nhiên, điều chúng ta hy vọng là học sinh sẽ có nhiều hơn thời gian cảm nhận và trải nghiệm, để mỗi bài học có thể thấm sâu, lưu lại những giá trị làm nên phẩm chất mỗi người. Khi đó, lòng yêu thương trong cuộc sống này không cần phải dạy. 

Nguyệt Minh/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)