Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bổ sung nguồn lực chuyển đổi số ở cơ sở

Tạp Chí Giáo Dục

TPHCM đang xây dựng đề án nâng cao năng lực chuyển đổi số cho chính quyền cơ sở; đồng thời đưa ra chính sách về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để các phường, xã, thị trấn chuyển đổi số đồng bộ, giảm khối lượng công việc cho cán bộ, công chức.
Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân tra cứu dịch vụ công trực tuyến.
Nâng cấp hạ tầng, phần mềm
Vừa qua, Thành đoàn TPHCM đã tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp” tại UBND huyện Nhà Bè. Theo đó, các đoàn viên, thanh niên đã hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán điện tử trực tuyến; tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến miễn phí; đăng ký, kích hoạt và sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID mức độ 1, mức độ 2, ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức trẻ của huyện Nhà Bè…
Được các đoàn viên hỗ trợ kích hoạt ứng dụng định danh điện tử VNeID, bà Kim Thị Hạnh (ấp 4, xã Phú Xuân) cho biết, vì lớn tuổi nên trước đây bà gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Khi đến UBND huyện làm thủ tục hành chính, bà phải mang rất nhiều loại giấy tờ để kê khai rất mất thời gian lại dễ sai sót. Nhưng hiện nay, khi có ứng dụng VNeID tích hợp các loại giấy tờ, việc làm thủ tục hành chính sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Lê Thị Anh Thư chia sẻ, đặc thù huyện Nhà Bè phần lớn là vùng nông thôn nên hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số còn hạn chế. Mạng internet chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là khi thực hiện thanh toán điện tử, gây phiền hà cho người dân. Bên cạnh đó, một số người dân còn hạn chế trong việc sử dụng điện thoại thông minh nên còn khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến. Thời gian qua, huyện Nhà Bè đang dần hoàn thiện hạ tầng số ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ nhưng thiếu nguồn lực nên kết quả còn nhiều hạn chế.
Bà Lê Thị Anh Thư mong muốn UBND TPHCM có chính sách hỗ trợ chính quyền cơ sở nâng cấp hạ tầng, phần mềm, hệ thống mạng để phục vụ người dân được tốt hơn.
Xây dựng “phường thông minh”
Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý KH-CN, Sở KH-CN TPHCM, cho biết, tháng 8-2022, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch về thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công giai đoạn 2022-2025. Trong đó, UBND TPHCM đề ra các giải pháp áp dụng một số ứng dụng khoa học – công nghệ để thí điểm cho cán bộ, công chức cơ sở về hoạt động đổi mới sáng tạo.
Qua quá trình triển khai, ông Sơn nhận thấy cán bộ, công chức tại các xã, phường, thị trấn có khối lượng công việc khổng lồ, trong khi yêu cầu của người dân và doanh nghiệp ngày càng cao. Tuy nhiên, hình thức làm việc ở các phường, xã, thị trấn phần lớn vẫn làm thủ công. Một trong những nguyên nhân là các nguồn lực phục vụ chuyển đổi số cả về con người, trang thiết bị, kinh phí còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, các chương trình chuyển đổi số đang được triển khai theo hướng từ thành phố xuống cơ sở. Sở KH-CN đề xuất nghiên cứu mô hình chuyển đổi số ngược lại, từ cơ sở đến thành phố, chọn một phường để làm thí điểm trước. Theo đó, sở này sẽ đề xuất quy trình tối ưu hóa công việc của phường, xã, thị trấn bằng công nghệ số. Các cơ sở dữ liệu tại phường phải kết nối với cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố. Mục tiêu đến năm 2030, đa số các phường trên địa bàn TPHCM được xem là “phường thông minh”. Tại cuộc gặp mặt các chủ tịch UBND TPHCM phường, xã, thị trấn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM sẽ lập tổ công tác liên quan đến vấn đề này để nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở.
Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở TT-TT nghiên cứu đề xuất đề án nâng cao năng lực chuyển đổi số về thể chế, phương tiện, đội ngũ và Sở KH-CN thực hiện đề án nâng cao hiệu quả hoạt động cho chính quyền cơ sở. Đồng chí Phan Văn Mãi định hướng mỗi quận sẽ chọn ra một số phường để xây dựng “phường thông minh” với mục tiêu không tăng biên chế nhưng sẽ tăng phương tiện cho các cơ sở thực hiện chuyển đổi số. Nếu làm tốt có thể giảm được 50% khối lượng công việc tại cơ sở.
Triển khai thực hiện, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh cho biết, Sở TT-TT TPHCM sẽ tham mưu thành lập trung tâm chuyển đổi số trực thuộc UBND TPHCM và xây dựng đề án nâng cao năng lực chuyển đổi số cho chính quyền cơ sở.
Trước mắt, Sở TT-TT sẽ khảo sát thực tế tại 10 phường, xã để nắm bắt nhu cầu của địa phương làm cơ sở xây dựng các giải pháp đồng bộ. Đồng thời, phối hợp với ngành công an đẩy nhanh tiến độ kết nối giữa hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; đưa các giải pháp để nâng cấp đường truyền…
Về vấn đề thiếu nhân lực chuyển đổi số, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM nhìn nhận đây là nguyên nhân rất lớn trong việc chậm chuyển đổi số. Không chỉ ở phường, xã, thị trấn, ở các quận huyện, sở ngành hiện nay cũng chỉ có 1-3 nhân lực phụ trách chuyển đổi số. Do đó, Sở TT-TT sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị đưa các giải pháp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyển đổi số cho cán bộ, công chức. Trong đó, Sở TT-TT tổ chức các khóa học chuyển đổi số trên nền tảng trực tuyến.
Công việc tại UBND các phường xã, thị trấn:
– 42 đầu việc đã quy định và nhiều công việc phát sinh khác
– Mỗi năm ban hành 700 văn bản, 1.500 quyết định, 500 báo cáo
– Mỗi tuần họp 5-7 cuộc họp.
 
THẢO LÊ (theo SGGP)

Bình luận (0)