Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13đã bổ sung Điều 217a – Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Sáng 24/5, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. 
Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a – Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tuy vậy, tại phiên thảo luận, vẫn còn các ý kiến khác nhau. Theo đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), việc bổ sung điều luật này là cần thiết. Tuy nhiên, cần có các quy định xử lý nghiêm với người cầm đầu, người đứng ra thiết lập mạng lưới, điều hành, tổ chức hoạt động kinh doanh. 
Những người tham gia mạng lưới đều phải ký hợp đồng với người đứng đầu thiết lập mạng lưới kinh doanh đa cấp. Doanh thu từ bán hàng đều chuyển về cho người tổ chức, những người tham gia mạng lưới thông thường chỉ hưởng hoa hồng do người tổ chức chi trả. Nếu xử lý những người này phạm vi sẽ rất rộng và phức tạp. “Vì vậy tôi đề nghị dự thảo luật chỉ quy định xử lý người tham gia nếu đủ cấu thành tội đồng phạm với người tổ chức, còn các đối tượng tham gia thì nên xem xét để xử lý phù hợp”, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy đề xuất.
Còn theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), với thiết chế như Điều 217a thì “chưa chắc đã sử lý hình sự” được các vụ việc tương tự như thời gian vừa qua vì các doanh nghiệp này đều đã được cấp phép kinh doanh. 
Hơn nữa, việc thiết kế khung hình phạt của tội phạm này cao nhất là 5 năm tù, nhẹ hơn nhất nhiều với tội chiếm đoạt tài sản và tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại Điều 190 (có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù”. 
“Như vậy, nếu không cẩn thận, việc bổ sung điều luật mới này sẽ là nơi để “trốn” xử lý hình sự về tội lừa đảo, hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử  để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.

Theo Xuân Phong/Báo Tin Tức
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)